Virtual Catholic Library

Thursday, July 8, 2010

NẾU TÔI CHỈ ĐƯỢC NÓI MỘT ĐIỀU...

NẾU TÔI CHỈ ĐƯỢC NÓI MỘT ĐIỀU...

 
image
 
Kính thưa quí độc giả website Công Giáo Việt Nam,
Có người muốn chúng tôi “tấn công các truyền thông sự dữ, truyền thông trái chiều”. Chúng tôi cảm thấy thực sự lúng túng, vì bản thân chúng tôi là người đang làm truyền thông, cho dù có thiện chí đến đâu thì cũng không thể tránh những thiếu sót, thậm chí tội lỗi xúc phạm đến Chúa, đến anh chị em mình. Sẽ là oan uổng và mâu thuẫn nếu chúng tôi nghĩ tưởng đến các đồng nghiệp của mình và gọi họ là “truyền thông sự dữ, truyền thông trái chiều”. Dù là tội nhân hay thánh nhân đều được bình đẳng trước tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa. Xin hãy thương xót cả chúng tôi nữa, vì có thể đến lúc nào đó chính chúng tôi sẽ trở thành “truyền thông sự dữ, truyền thông trái chiều” đối với cái nhìn của người khác chăng ? Ai dám tự tin mình không bao giờ sai lầm ?
Khi chủ động tấn công anh chị em mình, cho dù là để “bảo vệ” Chân Lý, “bảo vệ” Hội Thánh thì cũng đều là… ! Điều ấy không cần thiết đối với Thiên Chúa. Ai dám nghĩ mình có khả năng ( dù chỉ một chút xíu ) để “bảo vệ” hay “bênh vực” Hội Thánh ? Hội Thánh chẳng bao giờ sợ bị oan ( có oan cũng chẳng sao ); nhưng Hội Thánh sẽ chịu thương tích khi chúng ta “bảo vệ” Hội Thánh bằng cách “tấn công” người anh chị em của mình !
Năm Thánh Linh Mục đã kết thúc, Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam cũng chẳng còn bao lâu, thời đại này rồi cũng qua đi, cuộc đời mỗi người cũng sẽ kết thúc, dù muốn hay không. Thánh Gioan Bosco đã để lại một phát biểu khiến nhiều thế hệ phải trăn trở: “Nếu tôi đi giảng mà người ta chỉ cho phép tôi nói một điều duy nhất, thì tôi sẽ nói đến toà giải tội.” Giờ đây, nếu chúng ta cũng chỉ được nói với nhau một điều duy nhất, chúng ta sẽ nói với nhau điều gì ?
Gioan Bosco chỉ xin nói đến cái toà giải tội, vậy phải chăng điều cần nói cho chúng ta chính là sự sám hối ăn năn ? Mọi tội lỗi đều được tha, trừ một thứ tội “Không nhìn nhận tội của mình” ( thậm chí còn tìm cách đổ tội cho người khác ). Tội lỗi của Giáo Dân thì đã quá nhiều và dường như ai cũng đã biết, nhất là hàng Giáo Sĩ ( Giáo Dân đương nhiên phải xưng tội với Giáo Sĩ ). Vậy phần còn lại của Hội Thánh Việt Nam ( hàng Giáo Phẩm và Giáo Sĩ ) có tội gì không ? Không có tội gì sao phải xin lỗi, phải thống hối ( Lễ khai mạc Năm Thánh 2010 ) ? Hay chỉ là nói theo thủ tục xã giao ? Không nhận ra tội của mình, làm sao sám hối ?
Các Thánh đều là những người luôn xác tín, công khai nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, thậm chí như Têrêsa Hài Đồng Giêsu còn cho rằng mình là người tội lỗi nhất trong thế gian. Các Thánh thì luôn luôn và mau chóng nhận ra lỗi lầm của các Ngài, còn chúng ta thì… ngược lại ! Thánh Augustinô cầu nguyện mỗi ngày “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” Nhận biết Chúa mới chỉ là một chiều, nhưng còn chiều thứ hai thường bị quên sót: Nhận biết chính bản thân mình. Không nhận biết cái “dở” của mình thì làm sao có thể cầu tiến ? Nhất là giúp nhau tiến bộ hơn mãi ? Chắc chắn phải cậy dựa vào Chúa mới mong đạt được kết quả.
Thực tế cho thấy: anh chị em nhắc lỗi nhau đã là khó, bề trên nhắc nhở bề dưới tuy là việc bổn phận, trách nhiệm; nhưng lại là một bổn phận có khi rất khó khăn, còn bề dưới mà góp ý với bề trên thì khó biết bao, và có thể bị coi là  “thế lực thù địch” ngay lập tức ! Góp ý xây dựng cũng có thể là “phản động”. Góp ý đến mười lần hay hơn nữa cũng chẳng có ai “hồi báo cám ơn” !
Là lãnh đạo, cho dù chỉ là một gia đình hay một cộng đoàn nhỏ, khi bị chống đối, có mấy khi chúng ta dám đặt vấn đề xem mình có gì sai quấy, lầm lẫn hay thiếu sót chăng ? Hay sẽ tự ru ngủ mình “đang được trở nên giống Chúa Kitô” ? Cứ giả thiết rằng con cái chúng ta hư hỏng thật đi, thì nếu chúng nó càng hư hỏng, chúng ta lại càng phải yêu thương nhiều hơn chứ sao lại gay gắt, lên án, thậm chí nhục mạ… “chúc dữ” cho chúng ? Khác biệt giữa Chúa và chúng ta là ở chỗ này.
Cha ông chúng ta cũng đã có câu nói rất hay: “Nước mắt chảy xuôi” ! Vâng, khi nước mắt chảy ngược vào trong, đó là dấu hiệu của sự mù loà đang đến rất gần rồi !
Là thành viên trong một cộng đoàn, ai cũng có thể buồn phiền và không hài lòng về người lãnh đạo của mình trong một vài việc cụ thể, ở một giai đoạn nhất định nào đó. Nhưng xin đừng quên điều quan trọng hơn trong đời sống của Hội Thánh và điều này có sức nâng đỡ niềm tin yếu đuối của chúng ta rất nhiều: “Thiên Chúa là Đấng có thể, và chỉ Ngài mới có thể sử dụng những phương tiện tầm thường nhất để hoàn tất những công trình lớn lao do chính Ngài đã dự định.”
Nói cách khác, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta không nên thất vọng, vì cho dù bề trên có sai, thì chính Thiên Chúa sẽ bù đắp những thiệt thòi cho chúng ta. Ai sai, người đó sẽ chịu trách nhiệm với Chúa. Không ai có thể cản trở công việc của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều chỉ là phương tiện trong bàn tay sáng tạo kỳ diệu của Thiên Chúa. Phương tiện càng tầm thường, càng tôn vinh tay nghề của ông Chủ !
Giáo Hội thánh thiện nhưng bao gồm cả tội nhân. Thánh nhân chính là các tội nhân đã sám hối và được tha thứ: Mỗi vị Thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai. Xem ra sám hối và tha thứ là điều kiện ắt có và đủ. Khó khăn đang nằm ở chỗ: bao lâu con người chưa nhận ra tội lỗi của mình thì không thể có chuyện sám hối ăn năn.
Nói cách khác, Giáo Hội bao gồm những tâm hồn đang quyết tâm sám hối từng ngày, từng giờ ! Càng xét mình, càng thấy mình tội lỗi ! Càng thấy mình tội lỗi, càng dễ tha thứ cho anh chị em, càng thương xót các người tội lỗi, càng muốn sống khiêm tốn hơn nữa và rất dễ thông cảm với những sai lỗi của người khác…
“Càng xét mình, càng thấy mình tội lỗi”. Hãy can đảm xét mình ! Không cần phải xét người, vì đó không phải trách nhiệm của chúng ta. Sám hối không phải là một thủ tục mà đích thực là một nhu cầu, một điều kiện. Không có sám hối, Đức Kitô có chết đi sống lại thêm bao nhiêu lần cũng vô ích !
Nguyên nhân của việc không xét mình sám hối là vì xa lạ hay dửng dưng với Lời Chúa. Lời Chúa mới thực là Bản Xét Mình đầy đủ nhất cho hết mọi thành phần trong Hội Thánh. Đừng quanh co, đừng lý luận để tự biện hộ hoặc ru ngủ chính mình. Ngay cả anh chị em ngoài Công Giáo cũng biết: Đạo Chúa là đạo Yêu Thương. Việc sống đạo Yêu Thương lại không đơn giản. Thương người đã là khó, làm cho người ta thương mình càng khó hơn, và làm cho mọi người thương nhau càng khó gấp bội !
Một lời nói ( chữ viết ) khiến cho mọi người thương nhau, lời đó sẽ được Thiên Chúa chúc phúc; và ngược lại, một lời nói ( chữ viết ) làm cho người ta chán ghét nhau, lời đó sẽ bị… ! Ai không sai lỗi trong lời nói ( chữ viết ), đó là người hoàn hảo, vì đã có thể kiềm hãm được toàn thân ( Gc 3, 2 ). Lời của một Giáo Dân, thường thì chỉ ảnh hưởng trong gia đình năm bảy người; Lời của một Linh Mục, thì ảnh hưởng trên một vài ngàn người; Còn lời của một Giám Mục thì ảnh hưởng trên hàng triệu người xa gần. Dĩ nhiên dù là ảnh hưởng xấu hay tốt thì mức độ và phạm vi đều có thể là quan trọng.
“Tôi làm cho người ta yêu mến tôi, để tôi dẫn dắt họ đến yêu mến Chúa.” Đơn sơ và chính xác biết bao nhiêu so với trăm ngàn “lý sự” của trần gian ? Đó cũng chính là bí quyết giáo dục của Thánh Gioan Bosco đấy ! Khi người ta ghét tôi, chắc chắn họ cũng sẽ ghét Chúa thôi. Tôi có trách nhiệm gì khi người ta ghét tôi không ? Nếu vì Chúa mà người ta ghét tôi thì phúc cho tôi biết chừng nào ? Nhưng được mấy người như thế ? Hay tất cả chỉ vì chính tôi mà người ta ghét lây cả Chúa chăng ?
“Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê”. ( Tv 51, 19 )
Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót Quê Hương, Giáo Hội Việt Nam chúng con và toàn Thế Giới...

Lang thang tren net.

No comments:

Post a Comment