Virtual Catholic Library

Wednesday, June 2, 2010

Đông Cảm Nghiệm Ơn Gọi.

Cảm nghiệm đời Tu.




“Tu là cõi phuc tình là dây oan,” Vậy đâu là ý nghĩa đích thực của đời tu?

Hạnh phúc thật trong đời tu trì, khi thánh Phêrô mạnh rạn đặt câu hỏi rất con người tới Thày của mình: “Chúng con bỏ mọi sự mà theo thầy, vậy chúng con sẽ được gì đây..” và sau đó là lời của Thiên Chúa toàn năng: “Thấy bảo thật anh em, bất cứ ai từ bỏ cha mẹ, anh chị em, người thân và cả mạng sống mình vì nước trời người đó sẽ được gấp trăm nagn lần ở đời này và đời sau…”

Quả vậy, chúng ta những người theo Chúa phải luôn thấy hạnh phúc đời tu khi chúng ta nhận ra mình không đơn lẻ, cô đơn, nhưng có Chúa luôn đồng hành, nhờ đó đời sống độc thân vì Nước Trời sẽ bớt cô đơn.

Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi thấy sự hiện diện của mình thật có ý nghĩa với cộng đoàn giáo xứ, nơi mình được sai đến phục vụ.

Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi chúng ta nhân danh Đức Giê-su để chúc lành, tha tội và thảo gỡ biết bao người bị tội lỗi ràng buộc.

Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi tìm về cho Chúa một con chiên lạc, khi củng cố đức tin một người đang chao đảo mất hy vọng trong cuộc sống.

Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi góp phần gắn kết những mâu thuẫn chia lìa giữa những cá nhân hoặc những dòng họ trong Giáo xứ.

Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi thấy một cộng đoàn đông đảo được hồi sinh và nuôi dưỡng nhờ những hy sinh phục vụ của mình.

Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi chúng ta thấy mọi người cảm nhận được tình yêu và sự hy sinh của chúng ta đã và đang giành cho họ.

Chúng ta cảm thấy hạnh phúc đời tu, khi chúng ta được phục vụ mọi người không phân biệt tôn giáo. Bởi vì Chúa Giêsu nói “tôi đến để phục vụ , chứ không phải để được phục vụ.” do vây chúng ta nhưng người theo Chua hơn ai hết phải cố gắng triệt để để thực hiện lời dậy đó của Chúa.Chúng ta cảm thấy hạnh phúc, khi chúng ta đang được Chúa giao phó cho mình để công bố tình yêu thương và lời hằng sống của Ngài : “ai tin vao thầy sẽ không phải chết, nhưng có sự sống đời đời.” lời Chúa nói với Martha và Maria.



Trần Châu Đông.



SỐNG HẠNH PHÚC ƠN GỌI LINH MỤC


Nếu tôi có thể quả quyết một điều gì đó thì tôi xin quả quyết rằng:

- Tôi đang đi trên con đường Chúa muốn tôi đi!

Ơn gọi Linh Mục của tôi xuất phát từ một cuộc tĩnh tâm, qua đó tôi được gặp gỡ THIÊN CHÚA. Và cuộc gặp gỡ để lại nơi tôi một niềm hạnh phúc bao la. Thế nhưng, từ cuộc gặp gỡ đáng ghi nhớ ấy đến quyết định chọn cuộc sống Linh Mục, là con đường dài. Bởi lẽ thời gian trôi qua tính đến 10 năm trời. Sau đó tôi chính thức xin Đức Giám Mục cho tôi gia nhập Đại Chủng Viện.
Trong thời gian 10 năm này, tôi cứ do dự đợi chờ một dấu hiệu tỏ tường THIÊN CHÚA gởi đến để minh chứng Ngài gọi tôi. Thế nhưng dấu hiệu lại không đến. Đúng ra THIÊN CHÚA muốn tôi làm một chọn lựa hoàn toàn tự do. Sau cùng tôi cũng nhận ra tiếng gọi thâm trầm nhất của THIÊN CHÚA.

Lúc ấy tôi là phi công khu-trục thuộc về ngành Không Quân của quân lực Pháp. Đúng là nghề khác thường đáng mơ ước! Thế nhưng tôi không có cảm tưởng mình đã bỏ lỡ một giấc mộng đẹp, bởi vì tôi đã chọn lựa một cái gì cao cả hơn. Tôi đã chọn Tình Yêu THIÊN CHÚA trao ban cho tôi hạnh phúc.



Niềm xác tín tôi đang đi đúng con đường THIÊN CHÚA muốn tôi đi thật ra đến từ nhận xét của các con chiên bổn đạo của tôi. Họ ngạc nhiên nói với tôi:

- Chúng con thấy rõ Cha hạnh phúc trong thiên chức Linh Mục!
Tính tôi hơi thiếu tự tin nên tôi cần sự khích lệ của những người sống chung quanh. Chỉ có một điều khiến tôi an tâm tiến bước, đó là:

- Trên con đường tôi chọn, THIÊN CHÚA luôn luôn ở cùng tôi.

Bên trên niềm hạnh phúc chính yếu ấy, còn có cái thực tại của cuộc sống thường ngày. Thế là có khi hạnh phúc tràn đầy nhưng cũng có lúc không thiếu khó khăn! Khi ấy hạnh phúc trở thành một điều chờ mong hay như là một điều chắc chắn bị che mờ.

Một trong những khó khăn tôi gặp phải trong cuộc sống của một Cha Sở là: việc phân chia đúng đắn và quân bình thời khóa biểu. Đôi lúc tôi cảm thấy lúng túng khi phải phân định cái gì phải làm trước, cái gì phải làm sau. Và đôi lúc tôi cũng không biết phải ”từ chối” như thế nào. Bởi vì, tôi cũng phải dành riêng thời giờ cho cuộc sống thiêng liêng của tôi.



Thỉnh thoảng tôi cảm thấy có quá nhiều công việc phải làm và không thể nào đáp ứng mọi đòi hỏi đối với một Cha Sở. Nhưng tôi cũng cảm thấy an ủi, bởi vì không phải chỉ riêng tôi, mà có nhiều Cha Sở khác cũng gặp khó khăn như tôi. Đặc biệt tôi cảm thấy bất lực khi đứng trước các nỗi thống khổ đau thương của người khác. Trong những trường hợp ấy, tôi chỉ biết tỏ ra thông cảm và im lặng chia sẻ nỗi buồn.



Tôi là một Cha Sở miền quê. Chính tôi lựa chọn khung cảnh đồng nội. Bởi lẽ tôi sinh ra và lớn lên nơi thành phố. Giờ đây tôi tận hưởng bầu khí trong lành của miền thôn dã. Thêm vào đó, xứ đạo miền quê mang dáng dấp thân mật của một bầu khí gia đình, dẫu rằng, con số tín hữu thực hành đạo rất thấp. Đây là một âu lo rất lớn cho Giáo Hội Công Giáo tại Pháp. Giáo Hội cần phải tái truyền giáo cho chính con chiên bổn đạo của mình và rộng mở tiếp đón mọi người. Điều này tạo cho tôi cơ hội tiếp xúc với những người sống chung quanh.



Chính cộng đoàn xứ đạo cống hiến ý nghĩa đích thực cho cuộc đời Linh Mục. Cho dầu tôi có trốn ẩn nơi đâu đi nữa, hoặc chỉ là Cha Sở trong một thời gian ngắn, thì vẫn không sao hết, bởi vì, cộng đoàn xứ đạo thân yêu luôn luôn là điểm tựa cho chính ”chủ thể” Linh Mục của tôi!



Chứng từ của Cha Philippe Demoures Cha Sở giáo xứ Saint-Jacques-du-Causse thuộc giáo phận Bergerac bên nước Pháp.



... ”Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa, kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen. Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Ngài, gảy muôn cung đàn sắt. Nào dâng Chúa một khúc tân ca, rập tiếng hoan hô, nhã nhạc vang lừng. Vì lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hòa mặt đất. Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú .. Hạnh phúc thay quốc gia được Chúa làm Chúa Tể, hạnh phúc thay dân nào Ngài chọn làm gia nghiệp. Từ Trời cao nhìn xuống, Chúa thấy hết mọi người. Từ thiên cung Chúa ngự, Chúa dõi theo người thế. Lòng mỗi người, chính Chúa dựng nên, việc họ làm, Chúa thông suốt cả” (Thánh Vịnh 33(32),1-6/12-15).





Tự Do, Chọn Lựa & Cuộc Sống



Đời người là một hành trình mà trên đó gắn liền với những chuỗi chọn lựa và kinh nghiệm. Nếu đã có những chọn lựa thì ắt đã có những cơ hội và sự tự do để những chọn lựa trở thành cái gì đó của riêng từng người.

Bước đi trên hành trình cuộc đời là bước đi trên những biến cố mà bạn đã trải nghiệm và sẽ trải nghiệm. Có những trải nghiệm xuất phát từ những chọn lựa cá nhân; tuy nhiên, cũng có những trải nghiệm mang màu sắc ngoại cảnh hay sự biến đổi tất yếu của thế giới và vũ trụ trong đó con người hiện hữu. Vậy, sống là chịu tác động và tạo nên những tác động, và vì thế, chọn lựa là một yếu tố quan trọng để có thể bước đi một cách đúng đắn và tốt đẹp trên hành trình cuộc đời. Nói tóm lại, chọn lựa ảnh hưởng đến toàn bộ việc tôi là gì, cả trong hiện tại lẫn tương lai.



Trong đời sống đức tin, chọn lựa đóng một vai trò hết sức quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tương quan giữa cá nhân với Thiên Chúa và tương quan giữa con người với nhau. Chọn lựa hình thành nên chính cái ta là và ta sẽ là. Do đó, chọn lựa không hoàn toàn mang tính một chiều, nhưng hơn thế nữa, nó còn mang tính hỗ tương và “lệ thuộc”. Ví dụ, khi tôi chọn đời sống thánh hiến làm linh mục là tôi tự đặt mình trong tương quan với Thiên Chúa, và chính quyết định này của tôi tác động lên tương quan giữa tôi với người khác. Và Thiên Chúa, với tư cách là đối tượng của sự lựa chọn của tôi, quyết định đến động lực và chất lượng của công việc tôi làm với tư cách là một linh mục, và từ đó nó cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi. Như thế, điều tôi chọn lựa luôn luôn chịu tác động bởi hai yếu tố: chủ quan và khách quan, nội tại lẫn ngoại tại.

Ở một khía cạnh khác của đức tin, sự chọn lựa ban đầu lại khởi đi từ Thiên Chúa; Người luôn đi bước trước: Chính Thiên Chúa đưa ra lời mời gọi để rồi tôi chọn lựa và đáp lại lời mời gọi của Người. Như vậy, đời người là một chuỗi liên tiếp các chọn lựa để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa; hay nói cách khác, đó là một sự lựa chọn triền miên ngõ hầu thánh ý Thiên Chúa được thực hiện trên từng quyết định của mỗi người. Thiên Chúa gọi tôi vì Người yêu thương tôi, vì muốn tôi trở nên người bạn của Người. Nhưng trên hết Người muốn tôi chia sẻ sự sống mà chính Người là: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga14:6).

Như thế sự chọn lựa của tôi mang tính lệ thuộc nhưng lại không trở thành nô lệ, và hơn thế nữa, nó làm cho sự tự do của tôi trở nên tròn đầy và hoàn hảo hơn. Khi tôi chọn Chúa là cùng đích và là gia tài của đời tôi, tôi trở nên người hơn và tôi cũng trở nên giống Chúa hơn, vì Thiên Chúa đã tạo dựng tôi theo hình ảnh và họa ảnh của Người. Trở nên giống Chúa chính là trở nên một thụ tạo biết yêu thương và cảm nhận được sự yêu thương của Thiên Chúa, như chính Thiên Chúa là tình yêu (cf. 1 Ga 4:8).

Cuối cùng, trong chọn lựa luôn luôn hàm chứa sự từ bỏ. Nếu không phải từ bỏ thì tôi đâu phải chọn lựa và giá trị của những quyết định của tôi đâu có ý nghĩa, đơn giản chỉ vì khi đó tôi chưa nhận ra được đâu là những giá trị đích thật. Như thế chọn lựa là biết đánh đổi cái này để nhận lãnh được cái khác, bỏ đi cái ít giá trị hơn để đổi lấy cái lớn lao và có giá trị hơn. Tuy nhiên, rất thường tình, chính cái có giá trị lại là cái tiềm ẩn, khó có thể nhận ra bằng những cảm nghiệm thông thường, hoặc khó có thể đo lường được bằng những khả năng giác quan hay phương pháp khoa học. Do đó người ta thường hay đánh mất nó hoặc chỉ đi tìm những cái thực tế, cái kém giá trị hơn….



Tóm lại, sống là chọn lựa và chọn lựa là để sống. Sự chọn lựa hàm chứa sự tự do và chỉ khi có tự do thực sự con người mới đích thực là người, mới là thụ tạo độc đáo và siêu việt. Tuy nhiên, sự tự do có thể dẫn con người đến những chọn lựa lệch lạc để rồi gây nguy hại cho sự sống; hay ở mức độ trầm trọng hơn, nó có thể giết chết sự sống. Nhưng trái lại, chính nhờ sự tự do mà con người mới là thụ tạo được yêu và có khả năng yêu thương, và chỉ trong tình yêu con người mới thực sự hiện hữu.

Thiên An, ngày 18/5/2010

Phêrô Trần Văn Thanh

No comments:

Post a Comment