Virtual Catholic Library

Wednesday, January 26, 2011

Tai sao Thiên Chúa cho sự dữ sảy ra!

 
Nếu Có Thiên Chúa, Tại Sao Có Sự Dữ?

Thiên Chúa Quan Phòng

Người Do Thái thường nói đến sự Quan Phòng của Thiên Chúa bằng mẩu chuyện như sau:
Có hai người bộ hành đi lên đường đi đến một phương xa. Họ dùng một con lừa để chuyên chở hành lý. Ðể cho con lừa có bạn, họ mang theo một chú gà cồ. Và đêm đến họ đốt đuốc để soi đường.
Một người bộ hành là một tín hữu rất đạo đức. Trên miệng ông lúc nào cũng có câu nói: "Thiên Chúa là Ðấng tốt lành trong tất cả mọi sự". Người bạn đồng hành của ông thì lại là một người rất cứng lòng tin. Ông rất bực mình mỗi khi ông nghe người bạn ông thốt lên những lời ca tụng lòng thiện hảo của Thiên Chúa. Lên đường chừng vài phút đồng hồ, ông đã cảnh cáo người bạn có lòng tin như sau: "Rồi đây anh sẽ thấy anh tin Chúa đến độ nào".
Trước khi mặt trời lặn, họ đến một ngôi làng nhỏ. Họ tìm một nơi để qua đêm. Họ gõ cửa khắp nơi, nhưng không có ai đón tiếp họ. Cuối cùng họ đành phải ra khỏi làng và tìm đến bìa rừng để qua đêm. Trong cảnh màn trời chiếu đất, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: "Nào, Chúa của anh có tốt không?". Người bạn đồng hành luôn tin tưởng ở Chúa quan phòng bình tĩnh đáp lại: "Ðây là chỗ tốt nhất Chúa dành cho chúng ta ngủ qua đêm này". Ðêm đó, họ nằm ngủ dưới một gốc cây lớn nằm sát bìa rừng. Họ cột chú lừa vào một gốc cây gần đó. Họ chưa kịp đốt lên ngọn đuốc thì một tiếng mạnh từ xa vang lại. Thì ra, chỉ trong chớp nhoáng, một chú sư tử đã đến cắn xé con lừa và mang đi. Vừa thương tiếc cho chú lừa, vừa lo sợ cho thân phận của mình, hai người bộ hành chỉ còn biết leo lên cây để tránh tai họa.
Vừa tức giận, vừa mỉa mai, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: "Nào, Chúa của anh còn tốt nữa không?". Người tín hữu ngoan đạo dõng dạc tuyên bố: "Nếu con sư tử không bắt gặp con lừa trước, thì chắc chắn nó đã bổ nhào trên chúng ta rồi. Chúa là Ðấng tốt lành".
Một vài phút sau, con gà cồ bỗng kêu la thất thanh. Hai người bộ hành mới trèo cao hơn. Họ nhận ra con gà cồ đang nằm trong nanh vuốt của một chú mèo rừng. Người bạn cứng lòng tin chưa kịp thốt ra một lời cay đắng nào, thì người tín hữu ngoan đạo đã chúc tụng như sau: "Tiếng kêu thất thanh của con gà cồ lại một lần nữa giúp chúng ta thoát nguy hiểm. Cám ơn Chúa là Ðấng tốt lành".
Họa vô đơn chí. Chỉ vài phút sau đó, một cơn gió mạnh ùa đến, ngọn đuốc bỗng tắt ngụm đưa hai người vào trong cảnh tối tăm ghê rợn. Lần này con người cứng lòng tin lại lên tiếng mỉa mai như sau: "Xem chừng như Chúa của anh làm việc phụ trội trong đêm nay". Lần này, người tín hữu ngoan đạo chỉ biết giữ thing lặng.
Sáng hôm sau, hai người mon men trở lại làng để mua thức ăn. Họ mới hay biết rằng đêm hôm đó một băng cướp đã vào làng và họ đã vơ vét tất cả tài sản của dân làng. Nhìn cảnh tượng hoang tàn của ngôi làng và nhìn lại sự toàn vẹn của mình, người tín hữu ngoan đạo mới đắc thắng giải thích cho người bạn như sau: "Anh đã chứng kiến từ đầu đến cuối. Giá như đêm hôm qua, chúng ta thuê được một chỗ trọ trong làng, thì có lẽ chúng ta cũng không thoát khỏi tay của bọn cướp. Nếu cơn gió lớn không làm tắt ngọn đuốc của chúng ta, thì hẳn bọn chúng đã nhìn thấy chúng ta. Bạn thấy chưa, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa là Ðấng thiện hảo".
Tin ở Thiên Chúa quan phòng không có nghĩa là bảo rằng tất cả mọi tai họa rủi ro xảy đến trong cuộc sống đều do Chúa gửi đến, nhưng có nghĩa là, khi đứng trước một bất hạnh mà mình không thể tránh khỏi, chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa thiện hảo và quyền năng đến độ có thể biến sự bất hạnh ấy thành khởi điểm của một hồng ân cao cả hơn.
Trong ánh sáng Phục Sinh của Ðức Kitô, chúng ta được mời gọi để nhìn vào biến cố trong cuộc sống bằng cái nhìn lạc quan và tin tưởng ấy. Cái chết ô nhục của Ðức Kitô trên thập giá quả là một bất hạnh và là một tội ác, nhưng Thiên Chúa quyền năng và yêu thương đã biến thành khởi điểm của nguồn ơn cứu thoát.
Giữa muôn nghìn thử thách và đớn đau của cuộc sống, chúng ta hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa đang dành cho chúng ta một ân huệ cao cả hơn ngoài sự chờ đợi của chúng ta. Chúng ta hãy xưng tụng tình yêu quan phòng của Ngài.
Gop Nhạt

Thân trần truồng tôi đến từ lòng mẹ,
và tôi cũng sẽ trần trụi trở về;
Chúa đã cho và Ngài đã lấy lại;
xin chúc tụng thánh danh Ngài.
Gióp 1:21

Ðương nhiên lý luận thông thường nhất để bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa dựa vào một câu hỏi cố hữu: "Nếu thật sự có một Thiên Chúa tốt lành, thì tại sao lại có sự dữ trên thế gian?" Lý luận này thường được trình bày thế này: "Vì thế gian đầy sự dữ, một Thiên Chúa tốt lành và toàn năng không bao giờ cho phép sự dữ xuất hiện, như vậy thì không có Thiên Chúa!" Lý luận này liên quan đến tình cảm nhiều hơn lý trí, nhưng nó quan trọng và đáng cho chúng ta quan tâm. Nó có thể được đặt ra dưới nhiều hình thức và một số sẽ được đưa ra ở đây.

Trước hết chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa của sự dữ. Có hai loại sự dữ là sự dữ luân lý và vật lý. Sự dữ luân lý là cố tình phạm tội, và sự dữ vật lý là những tai ương tự nhiên. Thí dụ giết người, ngoại tình, dâm dật, ăn cắp, phù thủy, phá thai... là những sự dữ luân lý (Didache 2:2). Còn nạn đói, bậnh tật, tai họa thiên nhiên và sự chết là sự dữ tự nhìên. Sự dữ tự nó không là gì, nhưng là thiếu điều gì đáng lẽ phải có, thí dụ nói dối là thiếu chân thật. Thiên Chúa không dựng nên sự dữ vì nó không phải là điều cần được dưng nên. Sự dữ là điều bất toàn, thiếu hay không có trong việc tạo dựng của Thiên Chúa.

Ðầu tiên hãy chú tâm đến sự dữ luân lý, câu hỏi có thể được đặt ra là: "Nếu có một Thiên Chúa nhân lành, sao Ngài lại tạo nên người ác?" Ðể trả lởi câu hỏi này, chúng ta phải ý thức rằng Thiên Chúa không dựng nên người ác (STK 1:26-31). Là một Thiên Chúa thông biềt mọi sự, Thiên Chúa biết rằng Ngài dưng nên những người sẽ trở nên người tội lỗi, nhưng biết và điều khiển là hai việc khác nhau. Thiên Chúa dựng nên chúng ta với ý chí tự do, là khả năng cố tình chọn lựa hay chối bỏ Ngài. Chúng ta đã chọn phạm tội - chối bỏ Thìên Chúa - bằng cách cố tình bất tuân. Sự bất tuân này là một lỗ hổng trong chương trình của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Thiên Chúa muốn chúng ta kính mến Ngài, nhưng nếu không có ý chí tự do, chúng ta không thể yêu Chúa cách chân thành được. Không ai có thể bắt chúng ta yêu họ được. Nếu Thiên Chúa dựng nên chúng ta không có ý chí tự do, chúng ta sẽ là những cái máy sống và đã không được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống Ngài. Thiên Chúa cho phép sự dữ luân lý xảy ra trong phạm vi Ngài cho chúng ta ý chí tự do. Sự dữ luân lý trên đời là kết quả của sự chọn lựa của chúng ta.

Kế đến chúng ta xét đến sự dữ vật lý, câu hỏi có thể được bắt đầu như sau: "Nếu có một Thiên Chúa tốt lành, tại sao đau đớn, khổ cực, và chết chóc lại có trên thế gian?" Câu hỏi hóc búa hơn là: "Nếu có một Thiên Chúa công bằng, sao những người tốt phải chịu đau khổ?" Trong thế giới vật chất đau khổ có một mục đích. Ðau đớn ngăn trở việc chúng ta làm tổn thương thân xác. Tôi không cho tay vào lửa chính vì sợ đau. Chứng đau ngực có thể báo hiệu cho chúng ta sắp đến cơn đau tim. Các lực sĩ phải chịu đựng những khó khăn mệt nhọc kinh khủng mà rèn luyện thân thể để có thể chơi các môn thể thao cách điêu luyện hơn, vì họ biết rằng không có đau khổ thì không đạt được gì. Dù cho những người tốt, chịu đau khổ như thế không hoàn toàn là phi lý.

Vật chất hoạt động theo luật vật lý. Thí dụ, lửa hoạt đông theo luật nhiệt động học. Cũng luật này cho phép chúng ta sưởi ấm nhà trong mùa đông, nhưng đồng thời cũng cho phép chúng ta thiêu hủy nhà chúng ta. Ðể tránh việc thứ hai cần phại có phép lạ - một sự tạm ngưng của luật vật lý. Thiên Chúa cho phép sự dữ vật lý xảy ra vì Ngài không làm hết phép lạ này đến phép lạ khác để chặn đứng chúng, như vậy làm cho những gì thông thường trở nên phi thường. Những định luật vật lý được áp dụng cho cả người lành lẫn người dữ (Matt 5:45).

Câu hỏi thực sự đương nhiên không phải là tại sao Thiên Chúa cho phép sự dữ vật lý xảy ra, nhưng tại sao Thiên Chúa dựng nên chúng ta trong thế giới vật chất? Có những người cho rằng Thiên Chúa dựng nên chúng ta trong thế giới vật chất bất toàn này để chúng ta không cậy sức mình, nhưng để chúng ta yêu mến và dựa vào một Thiên Chúa thiện hảo (2 Cor 1:8-9). Chúng ta được dựng nên với những ước muốn và khao khát chỉ được thỏa mãn bởi Thiên Chúa. Sự trống vắng hạnh phúc này mời gọi chúng ta đến cùng Ngài. Theo lời Thánh Augustinô: "... Vì Chúa đã tạo dựng nên chúng con cho Chính Chúa, Lạy Chúa, tâm hồn chúng con không bao được yên hàn cho đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa". [Tự Thú I,1,1]. Thánh Irênê thành Lyon (190 Tr. CN) có một tư tưởng khác:

...nơi nào không có sự cố gắng thì cũng không có giá trị. Chúng ta không cần nhãn quan nếu chúng ta không biết rằng bị mù khổ sở thế nào. Cũng thế, sức khỏe trở nên quý giá hơn sau khi chúng ta bị ốm; ánh sáng so với tối tăm; sự sống so với cái chết. Cũng vậy, Nước Thiên Chúa trở nên quý giá hơn cho những ai đã nếm mùi trần thế. Nhưng nó càng quý giá, thì chúng ta càng yêu nó nhiều; và càng yêu nhiều thì chúng ta càng được nhiều vinh quang trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa cho phép tất cả những điều đó, để chúng ta học từ chúng và biết khôn ngoan yêu mến Thiên Chúa, để chúng ta được sống trong tình yêu hoàn hảo ấy. [Chống Lạc Giáo IV, 37,7].

Nghĩ xa hơn, đau khổ và hy sinh có thể giúp chúng ta chế ngự tính ích kỷ của chúng ta. Lại nữa, Thiên Chúa là Ðấng Thánh, vì tạo vật ly tách khỏi Ngài nên trở thành bất toàn.

Sách Ông Gióp trong Kinh Thánh đối phó với vấn đề này một cách thơ mộng và tuyệt vời. Ông Gióp là một người công chính, kính sợ Thiên Chúa (Gióp 1:1); tuy thế, Ngài cho phép Satan gây cho ông những tai nạn và bệnh tật kinh khủng để thử lòng trung thành của ông. Satan muốn chứng minh cho Thiên Chúa rằng ông Gióp sẽ ngã lòng (Gióp 2:3-7). Trong đau khổ cùng cực, ông Gióp đã tranh luận với "các bạn" về sự đau khổ của người vô tội. Cuối cùng Thiên Chúa nhập cuộc tranh luận và trả lời:

Ai là kẻ dám dùng những lời thiếu hiểu biết để làm u tối kế hoạch của Thiên Chúa? Giờ đây, hãy thắt lưng như một nam nhân; Ta sẽ hỏi ngươi và ngươi hãy trả lời Ta! Ngươi ở đâu khi Ta đặt nền móng địa cầu? Hãy nói cho ta, nếu ngươi thật hiểu biết... [Gióp 38:2-4]
* Kẻ tranh luận với Đấng Toàn Năng có chịu thua không, và kẻ kêu trách Thiên Chúa, hãy trả lời Ngài?

Thiên Chúa trả lời bằng cách bảo ông Gióp rằng sự khôn ngoan và quyền năng của Ngài vượt trên sự hiểu biết của loài người. Con người cũng không làm chủ vũ trụ, và nhân đức của con người mà thôi cũng không đảm bảo được hạnh phúc trần thế. Ông Gióp khiêm nhường kết thúc cuộc tranh luận bằng những lời này:
Con đã đối phó với những điều cao trọng mà con không hiểu; những điều quá kỳ diệu cho con, mà con không biết... Cho nên con rút lại những gì con đã nói, và ăn năn thống hối trong đống bụi tro [Gióp 42:2-6].

Ở đây Kinh Thánh đề nghị chúng ta rằng chúng ta phải chấp nhận đau khổ và tín thác vào Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã trả lời thắc mắc này cách vẹn toàn khi dùng cái chết của Người mà chiến thắng Sự Dữ trên Thánh Giá.

Ðối với Kitô hữu, đau khổ đời này có thể trở nên niềm vui và vinh quang đời sau. Trong Kinh Thánh, Thánh Phaolô đưa ra sự liên hệ giữa sự dữ vật lý (sự chết) và sự dữ luân lý (tội lỗi):

Như vậy, vì một người (Adong) mà tội lỗi xâm nhập vào thế gian, và qua tội lỗi là sự chết, cho nên sự chết lan tràn đến mọi người vì tất cả mọi người đều phạm tội [Rom 5:12].

Qua ông Adong (tội Tổ Tông), tất cả chúng ta đều có tội và phải chết; tuy nhiên, Thiên Chúa là Ðấng từ bi, qua. Kitô Giáo đã đem đến cho chúng ta niềm hy vọng:

Như vì một người mà sự chết đã đến, thì nhờ một người mà sự kẻ chết sống lại cũng đến. Vì mọi người đều chết nơi Adong, thì tất cả sẽ được cho sống lại trong Ðừc Kitô [1 Cor 15:21-22].

Ðức Kitô chết trên Thánh Giá để lấp đầy khoảng trống gây nên bởi tội lỗi. Mặc dầu chúng ta chịu đau khổ vá chết vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa là Ðấng vô tội đã chấp nhận đau khổ và chết trên Thánh Giá như một con người để cứu chuộc chúng ta. Tình yêu đòi hỏi hy sinh, và Ðức Kitô đã làm gương cho chúng ta trước:

Mặc dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục qua những đau khổ Người phải chịu; và khi đã trở nên hoàn hảo, Người trở thành nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai vâng phục Người [Heb 5:8-9].
"Nếu ai muốn đi theo Thầy, hãy bỏ mình đi và vác thập giá mình (hàng ngày) mà theo Thầy" [Marcô 8:34; cũng xem Phr 2:20-21; Phil 1:29].

Là Kitô hữu chúng ta có thể hy vọng vào hạnh phúc vĩnh cửu - nhờ Thập Giá Ðức Giêsu Kitô. Như Thánh Pholô đã hứa:
...chúng ta là con cái Thiên Chúa, mà đã là con cái, thì cũng là người thừa tự của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Ðức Kitô, miễn là chúng ta cùng chịu đau khổ với Người để chúng ta cũng được vinh quang với Người. Tôi cho là những đau khổ ở đời này không đáng để so sánh với vinh quang sẽ được tỏ ra cho chúng ta [Rom 8:16-18].

Trong đau khổ, chúng ta chia sẻ sự đau khổ của Ðức Kitô (Col 1:24) để trên thiên đàng chúng ta được chia sẻ vinh quang của Người (1 Phr 4:19).

Thế giới tội lỗi của chúng ta chẳng may là kết quả của sự lựa chọn của chúng ta; ngay cả Satan cũng không ép chúng ta phạm tội được. Ðau đớn, khổ cực và sự chết là một phần của thế giới vật chất vì tội Adong, nhưng Kitô Giáo đem lại cho chúng ta niềm hy vọng qua sự Thương Khó của Ðức Giêsu Kitô. Sự dữ trong thế gian này không phải là một bằng chứng là không có Thiên Chúa, nhưng là một nhắc nhở liên tục cho chúng ta rằng chúng ta cần đến Thiên Chúa toàn hảo trong Kinh Thánh (2 Cor 1:8-9).

A Catholic Response, Inc.
P.O. Box 84272
Lincoln, NE 68501-4272