Virtual Catholic Library

Sunday, October 31, 2010

Tín hữu Công giáo, chúng ta được mời gọi nên thánh

VietCatholic News (31 Oct 2010 09:05)
Khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta ao ước và quyết tâm sống sao cho được lên Thiên đàng. Lúc đó, chúng ta đáp lời đồng ý hợp tác với Thiên Chúa trong tiến trình cứu chuộc mỗi người trong chúng ta mà Đức Kitô đã chết và sống lại để cứu chuộc tội tổ tông và những tội của từng người. Thiên Chúa mời chúng ta sống Nên Thánh bằng vác Thánh Giá theo chân Đức Kitô, « Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy » (Matthêu 10,38), tức hoàn thành những bổn phận của mình trong địa vị mình sống.

I. SỰ THÁNH THIỆN TRONG GIÁO HỘI.

Trong Chương V Hiến chế ‘Ánh sáng muôn dân’ (Lumen Gentium) có tựa đề “Lời Kêu Gọi Mọi Người Nên Thánh Trong Giáo Hội”, các Nghị phụ tham dự Công đồng Vaticanô II xác tín Giáo hội có tính cách thánh thiện, bất khả khuyết. Thực vậy, Chúa Kitô Con Thiên Chúa, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là ‘Đấng thánh duy nhất’, đã yêu dấu Giáo hội như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Giáo hội (x. Eph 5,25-26). Vì thế, tất cả mọi người trong Giáo hội đều được kêu gọi nên Thánh, như lời Thánh Tông đồ dạy: « Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa » (1Th 4,3; x. Eph 1,4); sự thánh thiện này của Giáo hội luôn được biểu lộ và phải được biểu lộ qua những hoa trái ân sủng mà Thánh Thần đã kết sinh nơi các tín hữu; sự thánh thiện ấy được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi tất cả những ai đang cố đạt tới Đức Ái trọn hảo trong bậc sống của mình trong khi xây dựng kẻ khác. Đặc biệt hơn, sự thánh thiện đó tỏ lộ trong việc thực hành các lời khuyên, quen gọi là lời khuyên của Phúc Âm. Nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, nhiều Kitô hữu thực hành các lời khuyên ấy với tư cách cá nhân hoặc trong những lối sống hay bậc sống đã được Giáo hội công nhận; việc thực hành đó mang lại và phải mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương rạng ngời về sự thánh thiện của Giáo hội.

1. Nên Thánh là tham dự vào đời sống thần linh Thiên Chúa.

Từ gần 2000 năm nay, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thế làm người và chết trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta. Vì yêu thương, Đức Kitô tự ý đến với con người, gần gũi họ và ngỏ lời với họ, để họ có thể gặp gỡ, nhận biết và yêu mến Người, trở nên con cái Thiên Chúa mà được sống đời đời. « Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha. Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô » (Ga 17,3). Tuy nhiên, để việc cứu chuộc được thực hiện, Thiên Chúa cần sự cộng tác của từng người chúng ta. Trong một cơ hội nào đó, chúng ta bắt đầu nhận biết « Thiên Chúa ẩn mình » (Is 45,15), rồi tìm hiểu nhiều hơn Đạo Công giáo qua việc học biết Giáo Lý và, sau cùng, hoàn toàn tự do đáp lời tham gia tiến trình cứu chuộc khi lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích Đức Tin, để thực sự trở nên Kitô hữu, con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh, tức vào nước Thiên đàng.

Như vậy, mặc khải là hành động yêu thương của Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người, để con người tự ý đón nhận và hiệp thông với Thiên Chúa, mà được cứu độ. Sự thánh thiện này là ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô theo ý định: « Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. » (Ep 1,10) Vì thế, Chúa Giêsu là tác giả, là Đấng hoàn thành sự thánh thiện trong Hội Thánh (Ánh sáng muôn dân 40). Chính Người đã lấy máu thánh mà chuộc tội cho chúng ta và ban Thánh Thần cho chúng ta.

2. Mọi người được kêu gọi sống thánh thiện.

Chúa Giêsu, Thầy dạy và Mẫu mực của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho chúng ta, bất luận ở hoàn cảnh nào, một đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Đấng ban phát vừa là Đấng hoàn tất: « Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời » (Mt 5,48). Bởi vậy, Người đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong Ngài thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn cùng hết sức họ (x. Mc 12,30), và yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương họ (x. Gio 13,34; 15,12). Được Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các Kitô-hữu được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh. Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận, sống « xứng đáng như những vị thánh » (Eph 5,3). Nhưng vì chúng ta ai cũng có nhiều lầm lỗi (x. Giac 3,2), nên chúng ta luôn cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và hằng ngày phải cầu nguyện « xin Chúa tha nợ chúng tôi » (Mt 6,12).

Vì thế, tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Đức Ái. Ngay trong xã hội trần thế sự thánh thiện này cũng giúp người ta sống nhân đạo hơn. Để đạt được sự trọn lành đó, tín hữu phải xử dụng những sức lực mà Chúa Kitô đã ban nhiều ít tùy ý Người để trở nên giống Người khi theo vết chân Người, và khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, họ sẽ hết lòng tìm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân. Như thế, sự thánh thiện của Dân Thiên Chúa sẽ sinh hoa trái dồi dào, như lịch sử Giáo Hội đã từng minh chứng rõ ràng qua đời sống của bao vị thánh.

3. Nhiều hình thức thực hành sự thánh thiện duy nhất.

Chúng ta được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha, thờ phượng Ngài trong tinh thần và chân lý, noi gương Chúa Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vác thập giá để xứng đáng dự phần vào vinh quang của Người; tất cả những người ấy đều theo đuổi cùng một sự thánh thiện tuy lối sống và nhiệm vụ của họ có khác nhau, cho nên mỗi người, tùy theo ân sủng và nhiệm vụ mình, phải nhất quyết tiến bước bằng con đường Đức Tin sống động, Đức Tin khơi động Đức Cậy và hoạt động nhờ Đức Ái.

Có nhiều cách thực hành các lời khuyên trong Phúc Âm và những lời khuyên đó không phải chỉ dành cho giáo sĩ, tu sĩ. Nhưng, người giáo dân cũng được chỉ định cho những cách thế riêng để nên thánh. Vợ chồng, người góa, người độc thân, người lao động, người đau ốm, tất cả đều có thể nên thánh theo hoàn cảnh và bậc sống của riêng mình. Do đó, Giáo hội được trau dồi bằng những vẻ đẹp muôn mầu muôn sắc. Mẫu mực thánh thiện chỉ có một, nhưng cách ‘họa lại’ mẫu mực ấy thì ‘thiên hình vạn trạng’.

4. Đường lối và phương tiện nên thánh.

« Thiên Chúa là tình yêu, ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa sống trong người ấy » (1Gio 4,16), Thiên Chúa đã đổ tràn Đức Ái Ngài trong tâm hồn chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần Ngài đã ban cho chúng ta (x. Rm 5,5); cho nên ơn huệ thứ nhất và cần thiết nhất là bác ái. Đức Ái làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì Ngài. Nhưng để đức ái, tựa hạt giống tốt, lớn lên trong tâm hồn và kết sinh hoa trái, mỗi một tín hữu phải sẵn lòng lo lắng nghe Lời Chúa, và với ơn Ngài thực hành thánh ý Ngài; phải năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, năng tham dự vào các nghi lễ phụng vụ, chuyên cần cầu nguyện, từ bỏ mình, nhiệt thành phục vụ anh em và chuyên cần luyện tập các nhân đức.

Thực thế, Đức Ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật (x. Col 3,14; Rm 13,10), nên đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được cùng đích. Vì thế, đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Chúa Kitô.

Việc noi theo và làm chứng Đức Ái cùng sự khiêm hạ của Chúa Kitô cần được các Kitô hữu thực hiện không ngừng; nên Giáo hội là Mẹ chúng ta vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều con cái nam nữ muốn theo sát gương Đấng Cứu Thế. Vì thế, mọi Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống mình.

Trong tù, mỗi ngày Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã cử hành Thánh Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay. Đó là bàn thờ của Người, là Nhà thờ chính tòa của Người, Mình Thánh Chúa Kitô là ‘thuốc’ của Người, Đức Cha cảm động kể lại: « Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay ra và chịu đóng đinh bản thân trên Thánh giá với Chúa Giêsu, được sống chén đắng với Chúa. Mỗi ngày khi đọc lời truyền phép, tôi hết lòng củng cố một giao ước mới, giao ước đời đời giữa tôi và Chúa Giêsu, nhờ máu của Chúa hòa lẫn với máu của tôi ».

II. SỰ NÊN THÁNH.

1.- Trong khi tìm hiểu Giáo lý Công giáo, chúng ta từng học ‘Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn’ (thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự; chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ; giữ ngày Chúa Nhật; thảo kính cha mẹ; chớ giết người; chớ làm sự dâm dục; chớ lấy của người; chớ làm chứng dối; chớ muốn vợ chồng người; chớ tham của người.) và kết thúc: mười điều răn ấy tóm về hai điều này, trước kính mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người ta như mình ta vậy. Hay ngắn gọn hơn là ‘Kính Chúa, Yêu Người’.

2.- Trong Phúc Âm đọc nhân Lễ Các Thánh Nam Nữ ngày 01 tháng 11 hằng năm, Thánh sử Matthêu đã tường thuật việc Chúa Giêsu giảng ‘Tám Mối Phúc Thật’, còn gọi là bài giảng Trên Núi, gồm có tinh thần nghèo khó, hiền lành, đau khổ, đói khát điều công chính, hay thương xót người, lòng trong sạch, ăn ở thuận hòa, bách hại vì lẽ công chính và ‘Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác.’ Đức Kitô khẳng định: ‘Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời’. Đó là những chỉ dẩn mà chính Đức Kitô đề nghị chúng ta thực hành hay phải gánh nhận để Nên Thánh. Chúng ta có tự do hoàn toàn để chấp nhận hay từ chối.

Tôi tớ Thiên Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã dũng cảm chấp nhận tất cả và chỉ biết kêu xin sự trợ giúp của Mẹ Maria:

“Đời con dâng hiến Mẹ của con
Giây phút đầu tiên đến Sài Gòn
Cáo gian lắm điều con vì Mẹ
Vu vạ nhiều nỗi Mẹ với con
Sống chết lao tù con có Mẹ
Gian truân chẳng quản Mẹ bên con
Tăm tối đêm trường con theo Mẹ
Băng rừng vượt biển Mẹ dẫn con
Cô quạnh ê chề con kêu Mẹ
Hy vọng trào tràn Mẹ nghe con
Đau khổ xác hồn con nhìn Mẹ
Âm thầm lễ tế Mẹ dạy con
Muôn vàn thương mến con trao Mẹ
Ức triệu ân tình Mẹ thương con
Sứ mạng tương lai con dâng Mẹ
Khó khăn hiện tại Mẹ giúp con
Aâu yếm đêm ngày con yêu Mẹ
Ngày về tin tưởng Mẹ đợi con.”
“CON VỚI MẸ”
(Trại Thanh Liệt, 08.12.1978)


Ngày 22.10.2010, năm thứ 6 triều Giáo hoàng Biển Đức XVI, lúc 12 giờ, tại Phòng Hòa Giải dinh Laterano (Roma), đã khai mạc khóa họp mở đầu cuộc điều tra cấp phận về việc phong Chân phước cho Tôi tớ Chúa là Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Hồng Y của Hội thánh Công giáo Roma.

Trong khi chờ đợi việc Phong Chân phước, chúng ta hãy đọc KINH XIN ƠN này của Tòa Thánh dạy như sau:

Lạy Thiên Chúa toàn năng và hằng có đời đời,
là Cha và Con và Thánh Thần,
con cảm tạ Chúa vì đã ban cho Hội Thánh
gương chứng tá anh dũng
của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Kinh nghiệm khổ đau trong cảnh ngục tù,
được Ngài sống liên kết với Chúa Kitô chịu đóng đinh,
và dưới bóng che chở hiền mẫu của Mẹ Maria,
đã rèn luyện Ngài nên một chứng nhân sáng ngời
cho Hội Thánh và toàn thế giới,
về sự hiệp nhất và tha thứ,
cũng như về công lý và hòa bình.
Con người dễ thương mến
cùng với sứ vụ mục tử giám mục của Ngài
tỏa chiếu rạng ngời ánh sáng của đức tin,
nhiệt tâm của niềm hy vọng
và sức nồng ấm của đức ái.
Giờ đây, nhờ lời bầu cử của Ngài và theo thánh ý Chúa,
xin Chúa ban cho con được ơn đang khẩn cầu,
với niềm hy vọng thấy Ngài
sớm được vinh hiển trên bàn thờ.
Amen.


Imprimatur:
Vatican, 16.09.2007
+ Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư Ký
Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình.


3.- Chúng ta cũng cần sống đạo đồng hành với cộng đoàn để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sống Đức Tin, chia xẽ những khó khăn, nâng đở nhau trên đường lữ thứ trần gian… và điều chắc chắn là chúng ta, một lúc nào đó, phải từ cỏi đời nầy.

Khi đó, chúng ta sẽ biết ngay là mình có đạt được mục đích mà mình đã tự do thuận nhận để trở thành người Công giáo. Như vậy, nên thánh phải là con đường chung của mọi Kitô hữu, không trừ một ai. Con đường nên thánh không dành riêng cho một lớp người nào và cũng không phải là độc quyền của những người được Chúa gọi tận hiến cách riêng trong đời sống linh mục, hay tu dòng. Chúng ta có thể xem ‘Dụ ngôn những yến bạc’ (Matthêu 25,14-30) để biết sự chí công của Thiên Chúa.

{Trong tiếng Pháp, chữ ‘talent’ vừa có nghĩa là ‘yến bạc’, vừa có nghĩa là ‘tài năng’. Do đó, chúng ta có thể hiểu mỗi người Thiên Chúa trao cho những khả năng nhiều ít khác nhau như cho các giáo sĩ không giống như trao cho tu sĩ hay giáo dân. Thiên Chúa sẽ căn cứ vào việc làm và cách đối xử của mỗi người đối với Thiên Chúa và người khác mà thưởng phạt.}

4.- Mọi người có thể thánh hóa bản thân bằng chính làm tốt công việc hay hoàn thành trách nhiệm được giao phó thường nhật. Chúa Kitô ghi nhận sự cố gắng của từng người, tùy theo khả năng, sức khỏe Chúa giao cho từng cá nhân. Nguời muốn chúng ta trở thành tốt lành không cần phải qua những công việc khác thường, trái lại bằng những công việc chung thường làm hằng ngày trong đời sống, nhưng cách làm phải khác thường. Do đó, tuy cùng chung nhau tiến tới một mục tiêu: Nên Thánh, nhưng con đường sống Nên Thánh khác nhau mà mỗi người trong chúng ta có tự do lựa chọn, tùy theo môi trường sống của mình.

Khi chúng ta rời cỏi đời nầy, linh hồn lìa khỏi xác, đến trước tòa Thiên Chúa để được phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Kitô, để hoặc sẽ trải qua một sự thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng hạnh phúc trên trời, hoặc lập tức bị án phạt muôn đời. (xem Sách Giáo Lý Giáo Hội Công giáo, số 1022). Được hưởng hạnh phúc trên trời, được chiêm ngưỡng Nhan Thánh Chúa trên Thiên Đàng, chúng ta đã đạt được mục đích Nên Thánh.

Trong những người Nên Thánh, Giáo hội chọn Phong Chân Phước hay Phong Thánh cho những Kitô-hữu đã có một đời sống đặc biệt noi gương Thầy Chí Thánh, Đức Kitô, đã được Giáo Hội điều tra qua một thủ tục khắt khe và một thời gian điều tra vô tư, với các nhân chứng, có khi cần đến hay các phép lạ mà, nhờ sự can thiệp của các Vị đó, Thiên Chúa đã ban cho tha nhân.

III. CÁC THÁNH CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO.

A. Hiển Thánh và Chân Phước.

Đó là những Kitô hữu đã có một đời sống noi gương Thầy Chí Thánh, Đức Kitô, đã được Giáo hội điều tra qua các nhân chứng hay các phép lạ mà, nhờ sự can thiệp của các Vị đó, Thiên Chúa đã ban cho tha nhân.

Chúa nhựt ngày 17.10.2010, trước thềm đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chủ sự Thánh lễ Phong Thánh cho sáu Chân Phước lên bậc Hiển Thánh:
1. Linh mục Stanislaw Kazimierczyk Soltys, người Ba Lan, dòng các Kinh Sĩ Laterano, sinh năm 1433 qua đời năm 1489;
2. Sư huynh André Bessette, người Canada, dòng Thánh Giá, sinh năm 1845 qua đời năm 1937;
3. Nữ tu Cándida María de Jésus Cipitria y Barriola, người Tây Ban Nha, sáng lập dòng các Nữ Tử Chúa Giêsu, sinh năm 1845 qua đời năm 1912;
4. Nữ tu Mary Thánh Giá MacKillop, Người Úc, sáng lập dòng các Nữ Tu Thánh Giuse Thánh Tâm Chúa Giêsu, sinh năm 1842 qua đời năm 1909;
5. Nữ tu Giulia Salzano, người Ý, sáng lập dòng các Nữ tu giáo lý viên Thánh Tâm Chúa Giêsu, sinh năm 1846 qua đời năm 1929;
6. Nữ tu Battista Camilla Da Varano, người Ý, thuộc dòng Thánh Chiara, sinh năm 1458 qua đời năm 1524.

Giáo hội Công giáo hiện có khoảng 2190 Chân Phước (hay Á Thánh, được tôn kính trong nước) và 790 Thánh (hay Hiển Thánh, được tôn kính trên thế giới) đã tuyên phong từ năm 1588 khi Đức Giáo Hoàng Sixte-Quint thành lập Thánh Bộ Nghi Lễ, nay đã đổi tên: Thánh Bộ Phong Thánh. Ngày hôm nay, đời sống các Thánh và Chân Phước trở thành những gương sáng cho chúng ta noi theo để đáp lời Thiên Chúa mời gọi nên thánh như ý nguyện của chúng ta trong khi lãnh Bí tích Rửa Tội. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong 1327 Chân Phước và 477 Thánh, trong đó có 117 Thánh và 1 Chân Phước Tử Đạo Việt-Nam.

Hãy bình tĩnh, chúng ta cùng nhau mở Sách Lễ ngày mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ, Thánh Gioan viết trong sách Khải huyền: ’tôi đã thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên’.

Đoạn Sách Thánh nầy xác nhận số người lên Thiên đàng là hằng hằng lớp lớp. Chính vì thế Giáo hội đã dành ngày 01 tháng 11 hằng năm để Kính Trọng thể tất cả các Thánh Nam Nữ của Giáo hội Công giáo. Trong đó, cần kể đến các tiền nhân trong các Gíáo xứ trong nước và các Cộng đoàn hải ngoại, ông bà trong gia đình chúng ta đã được Chúa gọi về Nhà Cha.

B. Gương Chân Phước và Hiển Thánh tân phong.

1. Chiara Badano: niềm vui của tổ ấm.

Năm 1988, một trận quần vợt lúc 17 tuổi là biến cố đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Chiara Badano (1971–1990). Chị bắt đầu chịu đựng những cơn đau đớn khủng khiếp. Đó là sự phát khởi của một căn bệnh dẫn đến cái chết của chị chỉ ít lâu sau đó. « Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn sự việc thế này, thì con đây, con cũng muốn! » Chị Chiara đã lặp đi lặp lại lời này trong suốt thời gian ‘khổ nạn’ của mình.

Chị chào đời ngày 28.10.1971 tại Sassello, Liguria (Ý). Khi lên 10 tuổi, chị biết Phong Trào Focolare qua một người bạn là Chicca, người đã mời Chiara cô bé tham dự vào nhóm GEN (Génération Nouvelle, Thế Hệ Mới ) của Phong Trào do Chiara Lubich thành lập hồi năm 1943. « Chiara luôn dành cho Chúa Giêsu mối ưu tiên hàng đầu. Cô bé gọi Chúa Giêsu là ‘bạn đời của con’ », như lời thố lộ với Zenit của bà Maria Grazia Magrini, thỉnh nguyện viên trong vụ án phong Chân Phước cho Chiara Badano.

Chiara thích ca múa, hát, chơi quần vợt và trượt băng. Chị thích đi núi, đi biển, và ‘luôn tìm cách dự Thánh Lễ mỗi ngày’. Hôm ấy, khi đang chơi quần vợt, chị bỗng nghe đau nhói khủng khiếp. « Con bé trở về nhà, xanh mét, vất vả bước lên cầu thang”, bà mẹ kể. « Sao thế, Chiara? » – mẹ hỏi. « Dạ, con đang chơi, bỗng nhiên đau nhói chỗ bả vai, khiến con làm rơi cả vợt ». Cơn đau không ngưng gia tăng. Kết quả chụp cắt lớp: Chiara bị chứng sacôm xương.

Sau những lần hóa trị liệu và phẫu thuật nhưng chẳng có kết quả gì, chị không còn có thể sử dụng được đôi chân của mình nữa. Cô gái trẻ yêu thể thao này, trong cơn đau đớn, vẫn thốt lên: « Nếu phải chọn lựa hoặc được bước đi trên mặt đất này hay được lên Thiên Đàng, tôi không do dự chọn Thiên Đàng. »

Chân Phước Chiara Badano

Trong thời gian này, chị thắt chặt tình thân đặc biệt với chị Chiara Lubich, người thường gọi cô là Chiara Badano ‘Luce - Ánh Sáng’. Những ngày tháng chấp nhận sự đau đớn ấy như hiệp thông vác Thánh Giá với Chúa Giêsu và đã giúp Chiara sửa soạn cho cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. « Có lẽ những khoảnh khắc đẹp nhất chính là mùa hè cuối cùng của bạn ấy, giai đoạn mà bạn ấy dường như bất động trên giường», lời chia sẻ của Chicca, người bạn thân. Chị không khóc, cũng không than vãn bao giờ, chỉ nhìn ngắm hình ảnh Chúa Giêsu đặt phía trên tủ mà thôi. Chị từ chối được chích morphine vì muốn luôn được minh mẫn và hiệp dâng sự đau đớn với Chúa Giêsu.

Chiara đã chuẩn bị đám tang mình: các bài sẽ được hát trong Thánh Lễ, trang phục, quan tài. Tất cả đối với chị là một lễ mừng. Chị ước ao được an táng trong bộ đầm trắng, như một vị hôn thê đến gặp Chúa Giêsu. Điều cuối cùng chị dặn dò mẹ: « Khi mặc y phục cho con, xin mẹ lặp lại ba lần câu này: ‘Chiara gặp Chúa Giêsu’ mẹ nhé ! ». Chiara Badano qua đời ngày 07.10.1990, sau khi thốt lên với mẹ: « Con hạnh phúc lắm, vì con được về với Ngài. »
Gần 20 năm sau, lúc 16 giờ ngày thứ bảy 25.09.2010, tại Divino Amore, một Đền Thánh ở Rôma. Thánh Lễ do Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phong Thánh, chủ sự được cử hành để phong Chân Phước cho Chiara Badano. Tối hôm ấy, hàng ngàn thành viên Focolare sẽ tập trung tại Hội Trường Phaolô VI của Vatican để mừng sự kiện lần đầu tiên một thành viên của Phong Trào mình được tôn vinh lên bàn thờ. Đức Hồng Y Amato tuyên dương Chiara Badano ‘Bạn là muối đất và ánh sáng của thế giới’ và ‘Thánh Chiara Badano là một nhà truyền giáo của Chúa Giêsu’.

Sáng Chúa nhật 26.09.2010, lúc 10 giờ 30, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã chủ tọa Thánh Lễ Tạ Ơn tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.

Trưa đó, sau khi đọc Kinh Truyền Tin với nhiều ngàn tín hữu hành hương tại khuôn viên dinh Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói: “Các bạn thân mến, chỉ có Tình Yêu, được viết bằng chữ hoa, nghĩa là Thiên Chúa, mới ban hạnh phúc đích thực! Một chứng nhân đã làm chứng về điều ấy, đó là một thiếu nữ được phong chân phước hôm qua ở Roma này. Tôi muốn nói đến Chiara Badano, một thiếu nữ Ý sinh năm 1971, bị bệnh qua lời lúc gần 19 tuổi, nhưng cô là một tia sáng cho tất cả mọi người, như biệt danh của cô ‘Chiara Luce’ (Ánh sáng rạng ngời). Giáo xứ của cô, giáo phận Acqui Terme và Phong trào Tổ ấm mà cô là thành viên, đang hân hoan vui mừng hôm nay - và cũng là đại lễ cho tất cả mọi người trẻ, họ có thể tìm thấy nơi Chiara một mẫu gương về cuộc sống phù hợp với niềm tin Kitô. Những lời cuối cùng của Chiara, hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa, đó là ‘Con chào mẹ. Xin mẹ hãy vui mừng hạnh phúc vì con được hạnh phúc’. Chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa, vì tình thương của Ngài mạnh hơn sự ác và sự chết; và chúng ta hãy cảm tạ Đức Trinh Nữ Maria, Đấng dẫn đưa người trẻ, kể cả qua những khó khăn và đau khổ, tiến đến chỗ yêu mến Chúa Giêsu và khám phá vẻ đẹp của cuộc sống.

2. Mary MacKillop, Thánh nữ Uùc đại lợi.

Mary McKillop sinh ra tại Melbourne năm 1842. Khi lên 14, cô phải làm việc để nuôi sống gia đình bằng việc làm cai (foreman) tại một nhà máy bán văn phòng phẩm và bản đồ. Sau đó, đến thị trấn Penola, Nam Uùc và đã gặp Cha Julian Woods. Cảm thấy có ơn gọi tu trì, nhưng không tìm thấy một dòng nào phù hợp nên, năm 1866, Mary và cha Woods thành lập một tu hội lấy tên là ‘dòng Thánh Giuse’ (The Sisters of St Joseph) lấy mục đích là giáo dục trẻ em nghèo.

Nhà dòng sống ‘bằng từ thiện’ vì không ai có thể bị từ chối giúp đỡ: những gì họ xin được trên đường phố, dùng làm thức ăn và quần áo cho người nghèo và các nữ tu hưởng phần sau cùng. Thường thì các nữ tu đi ngủ bụng đói. Không tiền, họ vẫn mở một trường học, một viện mồ côi, một nhà tạm cư cho những người hoạn nạn tại Adelaide.

Mẹ Mary khấn khó nghèo, tranh đấu cho những xác tín cuả mình và do đó đã dẫn tới nhiều cuộc xung đột với các đấng bản quyền, không thích các nữ tu đi xin ăn, nên Đức Giám mục Shiel rút phép thông công năm 1871. Quyết định đó còn do một lý do khác là Mẹ Mary đã lên tiếng về một giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em. Nhưng 6 tháng sau, khi hấp hối trên giường bệnh, Đức cha đã hối hận và tha vạ cho Mẹ Mary.

Thánh nữ Mary MacKillop

Năm 1883, Mẹ Mary lại có mâu thuẫn với bề trên về việc xin phê chuẩn luật dòng, Mẹ muốn có một qui chế trực thuộc Toà Thánh, bình đẳng hơn là một tổ chức theo cấp bậc. Đức Giám mục Reynolds đã đuổi Mẹ ra khỏi giáo phận và phải chuyển trụ sở nhà dòng qua Sydney nơi Mẹ qua đời ngày 08.08.1909. Lúc đó dòng có tất cả 650 nữ tu dạy hơn 12 ngàn học sinh tại Úc và Tân Tây Lan.

Ngày 19.01.1995, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước cho Mẹ tại trường đua Ranwick, Sydney. Năm 2009 Tổng Giáo Phận Brisbane nhận thánh nữ Mary MacKillop làm Bổn Mạng. Lễ kính vào ngày 08.08 hàng năm.

Thánh Mary MacKillop có một đức tin mạnh mẽ, một đức cậy bền vững và một đức mến nồng nhiệt. Mẹ phó thác trong tay Thiên Chúa là người Cha đầy lòng chăm sóc mọi người, một Thiên Chúa đầy quan phòng, luôn quan tâm tới con cái của Người. Và do đó, quan tâm nhân bản của Bà trở thành lòng nhiệt thành cao độ đối với thiện ích của con cái Người.

Thánh nhân cho thấy bộ mặt nhân bản của các thánh, chứ không phải là xa vời với các thực tế đau khổ trần gian. Các nạn nhân của lạm dụng tình dục có thể xem Mary MacKillop là một vị thánh mới để cầu nguyện cho họ. Sau cùng, đây là việc Giáo hội xác nhận sự Nên Thánh cho những người từng bị Giáo quyền trù dập và chứng minh sự khôn ngoan của Giáo hội và khả năng biết nhận lỗi lầm và sửa chữa các lỗi lầm ấy.
Hà-Minh Thảo

No comments:

Post a Comment