Trong kho tàng văn chương Ấn giáo có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: "Thưa thầy, con muốn gặp Chúa". Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.
Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười tiếp tục giữ sự im lặng cố hữu của ông. Một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người thanh niên đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần vị linh đạo túm lấy anh và dìm xuống nước hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy đế trồi lên mặt nước. Lúc bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh: "Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?". Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp: "Thưa thầy, con cần có không khí để thở".
Lúc bấy giờ vị linh đạo mới dẫn giải: "Con cảm thấy cần gặp Chúa như con cần khí thở không? Nếu con cảm thấy cần như thế, con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không hề cảm thấy cần như thế thì cho dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài".
Anh chị em thân mến,
Sự sống của chúng ta là do Thiên Chúa ban tặng. Chính nhờ tham dự vào sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa mà chúng ta có được sự sống. Hơi thở là sự sống. Tắc thở có nghĩa là chết. Ngay từ buổi sơ khai trong công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã sáng tạo và hà hởi vào con người đầu tiên là Adam để truyền sinh sự sống cho ông. Sách sáng tường thuật: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.”(St.1:8) sang thời Tân Ước: chính Chúa Giêsu, sau khi sống lại, rồi sau đó đã hiện ra với các tông đồ Ngài cũng đã lập lại những hành động ấy với các ông: “anh em hãy nhận lấy ThánhThần.” (Ga. 20:22) Nhận lấy Chúa Thánh Thần có nghĩa là nhận lấy sức mạnh, sự khôn ngoan, và can đảm… để làm chứng cho Thiên Chúa xuyên suốt mọi thời đại cho đến ngày cuối cùng.
Adam một sinh vật đầu tiên đã nhận được Thần khí của sự sống và đã chu toàn bổn phận sống của mình như một nguyên tổ. cũng vây, các Tông đồ khi nhận được Chúa Thánh Thần các ông đã hăng say, can đảm để rao giảng và làm chứng cho sự thật về một Đức Kitô chịu đóng đinh, bởi vì đối với người Do thái cây thánh giá là một ô nhục và đày xấu hổ. Trong thư gửi tín hữu Côrintô Thánh Phao Lô viết: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cor 1:22-25)
Còn với chúng ta thì sao? mỗi người trong chúng ta khi chịu phép rửa tội là chúng ta được dìm vào trong nước để thanh tẩy và được sức dầu trong bí tích thêm sức. Chúng ta đã nhận được hơi thở và nguồn mạch thần khí của Chúa Thánh Thần ban xuống trên chúng ta. Cái chính là chúng ta đã lãnh nhận và đáp trả ra sao. Thánh Phaolô khi miêu tả về những đặc ân, ân sủng dành cho mỗi tri thể trong giáo hội được đề cao trong “Đức mến” như một hồng ân tuôn đổ từ Chúa Thánh Thần: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”. (1Cor 13.4-7)
Sống đức bác ái yêu thương trong Thiên Chúa là sống cho đi, sống quên mình vì Chúa và vì tha nhân. Một ngừơi sống yêu thương là một người đã thực sự chu toàn lề luật và là người kitô hữu đích thực. Chỉ có yêu thương, con người mới tìm thấy chân lý trọn vẹn nơi Thiên Chúa. Chỉ có yêu thương, con người mới có thể đem hòa bình đến cho thế giới. Và chỉ có yêu thương, con người mới xác định rõ ý nghĩa và giá trị của đời sống. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga13. 34- 35) Chính vì khí cụ của tình yêu thương tuyệt đối mới làm cho con người trở nên giống Chúa. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu. “1Ga 4.16)
Lậy Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi sự thiện hảo, “là đường , là sự thật và là sự sống.” Xin hãy ban Chúa Thánh Thần xuống để đổi mới và canh tân bộ mặt trái đất. Trong Ngài mỗi chúng con được thực sự nhận lấy ánh sáng và sự thật . Để nhờ sự thật và ánh sáng chúng con sẽ có thể đang bình an và tình yêu chiếu tỏa trên trần gian. Lậy Chúa Thánh Thần xin hãy đến. Amen
+ Pentecost's refections by Dong Tran
No comments:
Post a Comment