Virtual Catholic Library

Sunday, October 31, 2010

Tín hữu Công giáo, chúng ta được mời gọi nên thánh

VietCatholic News (31 Oct 2010 09:05)
Khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta ao ước và quyết tâm sống sao cho được lên Thiên đàng. Lúc đó, chúng ta đáp lời đồng ý hợp tác với Thiên Chúa trong tiến trình cứu chuộc mỗi người trong chúng ta mà Đức Kitô đã chết và sống lại để cứu chuộc tội tổ tông và những tội của từng người. Thiên Chúa mời chúng ta sống Nên Thánh bằng vác Thánh Giá theo chân Đức Kitô, « Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy » (Matthêu 10,38), tức hoàn thành những bổn phận của mình trong địa vị mình sống.

I. SỰ THÁNH THIỆN TRONG GIÁO HỘI.

Trong Chương V Hiến chế ‘Ánh sáng muôn dân’ (Lumen Gentium) có tựa đề “Lời Kêu Gọi Mọi Người Nên Thánh Trong Giáo Hội”, các Nghị phụ tham dự Công đồng Vaticanô II xác tín Giáo hội có tính cách thánh thiện, bất khả khuyết. Thực vậy, Chúa Kitô Con Thiên Chúa, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là ‘Đấng thánh duy nhất’, đã yêu dấu Giáo hội như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Giáo hội (x. Eph 5,25-26). Vì thế, tất cả mọi người trong Giáo hội đều được kêu gọi nên Thánh, như lời Thánh Tông đồ dạy: « Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa » (1Th 4,3; x. Eph 1,4); sự thánh thiện này của Giáo hội luôn được biểu lộ và phải được biểu lộ qua những hoa trái ân sủng mà Thánh Thần đã kết sinh nơi các tín hữu; sự thánh thiện ấy được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi tất cả những ai đang cố đạt tới Đức Ái trọn hảo trong bậc sống của mình trong khi xây dựng kẻ khác. Đặc biệt hơn, sự thánh thiện đó tỏ lộ trong việc thực hành các lời khuyên, quen gọi là lời khuyên của Phúc Âm. Nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, nhiều Kitô hữu thực hành các lời khuyên ấy với tư cách cá nhân hoặc trong những lối sống hay bậc sống đã được Giáo hội công nhận; việc thực hành đó mang lại và phải mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương rạng ngời về sự thánh thiện của Giáo hội.

1. Nên Thánh là tham dự vào đời sống thần linh Thiên Chúa.

Từ gần 2000 năm nay, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thế làm người và chết trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta. Vì yêu thương, Đức Kitô tự ý đến với con người, gần gũi họ và ngỏ lời với họ, để họ có thể gặp gỡ, nhận biết và yêu mến Người, trở nên con cái Thiên Chúa mà được sống đời đời. « Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha. Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô » (Ga 17,3). Tuy nhiên, để việc cứu chuộc được thực hiện, Thiên Chúa cần sự cộng tác của từng người chúng ta. Trong một cơ hội nào đó, chúng ta bắt đầu nhận biết « Thiên Chúa ẩn mình » (Is 45,15), rồi tìm hiểu nhiều hơn Đạo Công giáo qua việc học biết Giáo Lý và, sau cùng, hoàn toàn tự do đáp lời tham gia tiến trình cứu chuộc khi lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích Đức Tin, để thực sự trở nên Kitô hữu, con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh, tức vào nước Thiên đàng.

Như vậy, mặc khải là hành động yêu thương của Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người, để con người tự ý đón nhận và hiệp thông với Thiên Chúa, mà được cứu độ. Sự thánh thiện này là ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô theo ý định: « Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. » (Ep 1,10) Vì thế, Chúa Giêsu là tác giả, là Đấng hoàn thành sự thánh thiện trong Hội Thánh (Ánh sáng muôn dân 40). Chính Người đã lấy máu thánh mà chuộc tội cho chúng ta và ban Thánh Thần cho chúng ta.

2. Mọi người được kêu gọi sống thánh thiện.

Chúa Giêsu, Thầy dạy và Mẫu mực của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho chúng ta, bất luận ở hoàn cảnh nào, một đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Đấng ban phát vừa là Đấng hoàn tất: « Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời » (Mt 5,48). Bởi vậy, Người đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong Ngài thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn cùng hết sức họ (x. Mc 12,30), và yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương họ (x. Gio 13,34; 15,12). Được Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các Kitô-hữu được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh. Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận, sống « xứng đáng như những vị thánh » (Eph 5,3). Nhưng vì chúng ta ai cũng có nhiều lầm lỗi (x. Giac 3,2), nên chúng ta luôn cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và hằng ngày phải cầu nguyện « xin Chúa tha nợ chúng tôi » (Mt 6,12).

Vì thế, tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Đức Ái. Ngay trong xã hội trần thế sự thánh thiện này cũng giúp người ta sống nhân đạo hơn. Để đạt được sự trọn lành đó, tín hữu phải xử dụng những sức lực mà Chúa Kitô đã ban nhiều ít tùy ý Người để trở nên giống Người khi theo vết chân Người, và khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, họ sẽ hết lòng tìm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân. Như thế, sự thánh thiện của Dân Thiên Chúa sẽ sinh hoa trái dồi dào, như lịch sử Giáo Hội đã từng minh chứng rõ ràng qua đời sống của bao vị thánh.

3. Nhiều hình thức thực hành sự thánh thiện duy nhất.

Chúng ta được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha, thờ phượng Ngài trong tinh thần và chân lý, noi gương Chúa Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vác thập giá để xứng đáng dự phần vào vinh quang của Người; tất cả những người ấy đều theo đuổi cùng một sự thánh thiện tuy lối sống và nhiệm vụ của họ có khác nhau, cho nên mỗi người, tùy theo ân sủng và nhiệm vụ mình, phải nhất quyết tiến bước bằng con đường Đức Tin sống động, Đức Tin khơi động Đức Cậy và hoạt động nhờ Đức Ái.

Có nhiều cách thực hành các lời khuyên trong Phúc Âm và những lời khuyên đó không phải chỉ dành cho giáo sĩ, tu sĩ. Nhưng, người giáo dân cũng được chỉ định cho những cách thế riêng để nên thánh. Vợ chồng, người góa, người độc thân, người lao động, người đau ốm, tất cả đều có thể nên thánh theo hoàn cảnh và bậc sống của riêng mình. Do đó, Giáo hội được trau dồi bằng những vẻ đẹp muôn mầu muôn sắc. Mẫu mực thánh thiện chỉ có một, nhưng cách ‘họa lại’ mẫu mực ấy thì ‘thiên hình vạn trạng’.

4. Đường lối và phương tiện nên thánh.

« Thiên Chúa là tình yêu, ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa sống trong người ấy » (1Gio 4,16), Thiên Chúa đã đổ tràn Đức Ái Ngài trong tâm hồn chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần Ngài đã ban cho chúng ta (x. Rm 5,5); cho nên ơn huệ thứ nhất và cần thiết nhất là bác ái. Đức Ái làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì Ngài. Nhưng để đức ái, tựa hạt giống tốt, lớn lên trong tâm hồn và kết sinh hoa trái, mỗi một tín hữu phải sẵn lòng lo lắng nghe Lời Chúa, và với ơn Ngài thực hành thánh ý Ngài; phải năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, năng tham dự vào các nghi lễ phụng vụ, chuyên cần cầu nguyện, từ bỏ mình, nhiệt thành phục vụ anh em và chuyên cần luyện tập các nhân đức.

Thực thế, Đức Ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật (x. Col 3,14; Rm 13,10), nên đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được cùng đích. Vì thế, đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Chúa Kitô.

Việc noi theo và làm chứng Đức Ái cùng sự khiêm hạ của Chúa Kitô cần được các Kitô hữu thực hiện không ngừng; nên Giáo hội là Mẹ chúng ta vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều con cái nam nữ muốn theo sát gương Đấng Cứu Thế. Vì thế, mọi Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống mình.

Trong tù, mỗi ngày Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã cử hành Thánh Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay. Đó là bàn thờ của Người, là Nhà thờ chính tòa của Người, Mình Thánh Chúa Kitô là ‘thuốc’ của Người, Đức Cha cảm động kể lại: « Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay ra và chịu đóng đinh bản thân trên Thánh giá với Chúa Giêsu, được sống chén đắng với Chúa. Mỗi ngày khi đọc lời truyền phép, tôi hết lòng củng cố một giao ước mới, giao ước đời đời giữa tôi và Chúa Giêsu, nhờ máu của Chúa hòa lẫn với máu của tôi ».

II. SỰ NÊN THÁNH.

1.- Trong khi tìm hiểu Giáo lý Công giáo, chúng ta từng học ‘Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn’ (thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự; chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ; giữ ngày Chúa Nhật; thảo kính cha mẹ; chớ giết người; chớ làm sự dâm dục; chớ lấy của người; chớ làm chứng dối; chớ muốn vợ chồng người; chớ tham của người.) và kết thúc: mười điều răn ấy tóm về hai điều này, trước kính mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người ta như mình ta vậy. Hay ngắn gọn hơn là ‘Kính Chúa, Yêu Người’.

2.- Trong Phúc Âm đọc nhân Lễ Các Thánh Nam Nữ ngày 01 tháng 11 hằng năm, Thánh sử Matthêu đã tường thuật việc Chúa Giêsu giảng ‘Tám Mối Phúc Thật’, còn gọi là bài giảng Trên Núi, gồm có tinh thần nghèo khó, hiền lành, đau khổ, đói khát điều công chính, hay thương xót người, lòng trong sạch, ăn ở thuận hòa, bách hại vì lẽ công chính và ‘Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác.’ Đức Kitô khẳng định: ‘Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời’. Đó là những chỉ dẩn mà chính Đức Kitô đề nghị chúng ta thực hành hay phải gánh nhận để Nên Thánh. Chúng ta có tự do hoàn toàn để chấp nhận hay từ chối.

Tôi tớ Thiên Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã dũng cảm chấp nhận tất cả và chỉ biết kêu xin sự trợ giúp của Mẹ Maria:

“Đời con dâng hiến Mẹ của con
Giây phút đầu tiên đến Sài Gòn
Cáo gian lắm điều con vì Mẹ
Vu vạ nhiều nỗi Mẹ với con
Sống chết lao tù con có Mẹ
Gian truân chẳng quản Mẹ bên con
Tăm tối đêm trường con theo Mẹ
Băng rừng vượt biển Mẹ dẫn con
Cô quạnh ê chề con kêu Mẹ
Hy vọng trào tràn Mẹ nghe con
Đau khổ xác hồn con nhìn Mẹ
Âm thầm lễ tế Mẹ dạy con
Muôn vàn thương mến con trao Mẹ
Ức triệu ân tình Mẹ thương con
Sứ mạng tương lai con dâng Mẹ
Khó khăn hiện tại Mẹ giúp con
Aâu yếm đêm ngày con yêu Mẹ
Ngày về tin tưởng Mẹ đợi con.”
“CON VỚI MẸ”
(Trại Thanh Liệt, 08.12.1978)


Ngày 22.10.2010, năm thứ 6 triều Giáo hoàng Biển Đức XVI, lúc 12 giờ, tại Phòng Hòa Giải dinh Laterano (Roma), đã khai mạc khóa họp mở đầu cuộc điều tra cấp phận về việc phong Chân phước cho Tôi tớ Chúa là Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Hồng Y của Hội thánh Công giáo Roma.

Trong khi chờ đợi việc Phong Chân phước, chúng ta hãy đọc KINH XIN ƠN này của Tòa Thánh dạy như sau:

Lạy Thiên Chúa toàn năng và hằng có đời đời,
là Cha và Con và Thánh Thần,
con cảm tạ Chúa vì đã ban cho Hội Thánh
gương chứng tá anh dũng
của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Kinh nghiệm khổ đau trong cảnh ngục tù,
được Ngài sống liên kết với Chúa Kitô chịu đóng đinh,
và dưới bóng che chở hiền mẫu của Mẹ Maria,
đã rèn luyện Ngài nên một chứng nhân sáng ngời
cho Hội Thánh và toàn thế giới,
về sự hiệp nhất và tha thứ,
cũng như về công lý và hòa bình.
Con người dễ thương mến
cùng với sứ vụ mục tử giám mục của Ngài
tỏa chiếu rạng ngời ánh sáng của đức tin,
nhiệt tâm của niềm hy vọng
và sức nồng ấm của đức ái.
Giờ đây, nhờ lời bầu cử của Ngài và theo thánh ý Chúa,
xin Chúa ban cho con được ơn đang khẩn cầu,
với niềm hy vọng thấy Ngài
sớm được vinh hiển trên bàn thờ.
Amen.


Imprimatur:
Vatican, 16.09.2007
+ Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư Ký
Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình.


3.- Chúng ta cũng cần sống đạo đồng hành với cộng đoàn để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sống Đức Tin, chia xẽ những khó khăn, nâng đở nhau trên đường lữ thứ trần gian… và điều chắc chắn là chúng ta, một lúc nào đó, phải từ cỏi đời nầy.

Khi đó, chúng ta sẽ biết ngay là mình có đạt được mục đích mà mình đã tự do thuận nhận để trở thành người Công giáo. Như vậy, nên thánh phải là con đường chung của mọi Kitô hữu, không trừ một ai. Con đường nên thánh không dành riêng cho một lớp người nào và cũng không phải là độc quyền của những người được Chúa gọi tận hiến cách riêng trong đời sống linh mục, hay tu dòng. Chúng ta có thể xem ‘Dụ ngôn những yến bạc’ (Matthêu 25,14-30) để biết sự chí công của Thiên Chúa.

{Trong tiếng Pháp, chữ ‘talent’ vừa có nghĩa là ‘yến bạc’, vừa có nghĩa là ‘tài năng’. Do đó, chúng ta có thể hiểu mỗi người Thiên Chúa trao cho những khả năng nhiều ít khác nhau như cho các giáo sĩ không giống như trao cho tu sĩ hay giáo dân. Thiên Chúa sẽ căn cứ vào việc làm và cách đối xử của mỗi người đối với Thiên Chúa và người khác mà thưởng phạt.}

4.- Mọi người có thể thánh hóa bản thân bằng chính làm tốt công việc hay hoàn thành trách nhiệm được giao phó thường nhật. Chúa Kitô ghi nhận sự cố gắng của từng người, tùy theo khả năng, sức khỏe Chúa giao cho từng cá nhân. Nguời muốn chúng ta trở thành tốt lành không cần phải qua những công việc khác thường, trái lại bằng những công việc chung thường làm hằng ngày trong đời sống, nhưng cách làm phải khác thường. Do đó, tuy cùng chung nhau tiến tới một mục tiêu: Nên Thánh, nhưng con đường sống Nên Thánh khác nhau mà mỗi người trong chúng ta có tự do lựa chọn, tùy theo môi trường sống của mình.

Khi chúng ta rời cỏi đời nầy, linh hồn lìa khỏi xác, đến trước tòa Thiên Chúa để được phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Kitô, để hoặc sẽ trải qua một sự thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng hạnh phúc trên trời, hoặc lập tức bị án phạt muôn đời. (xem Sách Giáo Lý Giáo Hội Công giáo, số 1022). Được hưởng hạnh phúc trên trời, được chiêm ngưỡng Nhan Thánh Chúa trên Thiên Đàng, chúng ta đã đạt được mục đích Nên Thánh.

Trong những người Nên Thánh, Giáo hội chọn Phong Chân Phước hay Phong Thánh cho những Kitô-hữu đã có một đời sống đặc biệt noi gương Thầy Chí Thánh, Đức Kitô, đã được Giáo Hội điều tra qua một thủ tục khắt khe và một thời gian điều tra vô tư, với các nhân chứng, có khi cần đến hay các phép lạ mà, nhờ sự can thiệp của các Vị đó, Thiên Chúa đã ban cho tha nhân.

III. CÁC THÁNH CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO.

A. Hiển Thánh và Chân Phước.

Đó là những Kitô hữu đã có một đời sống noi gương Thầy Chí Thánh, Đức Kitô, đã được Giáo hội điều tra qua các nhân chứng hay các phép lạ mà, nhờ sự can thiệp của các Vị đó, Thiên Chúa đã ban cho tha nhân.

Chúa nhựt ngày 17.10.2010, trước thềm đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chủ sự Thánh lễ Phong Thánh cho sáu Chân Phước lên bậc Hiển Thánh:
1. Linh mục Stanislaw Kazimierczyk Soltys, người Ba Lan, dòng các Kinh Sĩ Laterano, sinh năm 1433 qua đời năm 1489;
2. Sư huynh André Bessette, người Canada, dòng Thánh Giá, sinh năm 1845 qua đời năm 1937;
3. Nữ tu Cándida María de Jésus Cipitria y Barriola, người Tây Ban Nha, sáng lập dòng các Nữ Tử Chúa Giêsu, sinh năm 1845 qua đời năm 1912;
4. Nữ tu Mary Thánh Giá MacKillop, Người Úc, sáng lập dòng các Nữ Tu Thánh Giuse Thánh Tâm Chúa Giêsu, sinh năm 1842 qua đời năm 1909;
5. Nữ tu Giulia Salzano, người Ý, sáng lập dòng các Nữ tu giáo lý viên Thánh Tâm Chúa Giêsu, sinh năm 1846 qua đời năm 1929;
6. Nữ tu Battista Camilla Da Varano, người Ý, thuộc dòng Thánh Chiara, sinh năm 1458 qua đời năm 1524.

Giáo hội Công giáo hiện có khoảng 2190 Chân Phước (hay Á Thánh, được tôn kính trong nước) và 790 Thánh (hay Hiển Thánh, được tôn kính trên thế giới) đã tuyên phong từ năm 1588 khi Đức Giáo Hoàng Sixte-Quint thành lập Thánh Bộ Nghi Lễ, nay đã đổi tên: Thánh Bộ Phong Thánh. Ngày hôm nay, đời sống các Thánh và Chân Phước trở thành những gương sáng cho chúng ta noi theo để đáp lời Thiên Chúa mời gọi nên thánh như ý nguyện của chúng ta trong khi lãnh Bí tích Rửa Tội. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong 1327 Chân Phước và 477 Thánh, trong đó có 117 Thánh và 1 Chân Phước Tử Đạo Việt-Nam.

Hãy bình tĩnh, chúng ta cùng nhau mở Sách Lễ ngày mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ, Thánh Gioan viết trong sách Khải huyền: ’tôi đã thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên’.

Đoạn Sách Thánh nầy xác nhận số người lên Thiên đàng là hằng hằng lớp lớp. Chính vì thế Giáo hội đã dành ngày 01 tháng 11 hằng năm để Kính Trọng thể tất cả các Thánh Nam Nữ của Giáo hội Công giáo. Trong đó, cần kể đến các tiền nhân trong các Gíáo xứ trong nước và các Cộng đoàn hải ngoại, ông bà trong gia đình chúng ta đã được Chúa gọi về Nhà Cha.

B. Gương Chân Phước và Hiển Thánh tân phong.

1. Chiara Badano: niềm vui của tổ ấm.

Năm 1988, một trận quần vợt lúc 17 tuổi là biến cố đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Chiara Badano (1971–1990). Chị bắt đầu chịu đựng những cơn đau đớn khủng khiếp. Đó là sự phát khởi của một căn bệnh dẫn đến cái chết của chị chỉ ít lâu sau đó. « Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn sự việc thế này, thì con đây, con cũng muốn! » Chị Chiara đã lặp đi lặp lại lời này trong suốt thời gian ‘khổ nạn’ của mình.

Chị chào đời ngày 28.10.1971 tại Sassello, Liguria (Ý). Khi lên 10 tuổi, chị biết Phong Trào Focolare qua một người bạn là Chicca, người đã mời Chiara cô bé tham dự vào nhóm GEN (Génération Nouvelle, Thế Hệ Mới ) của Phong Trào do Chiara Lubich thành lập hồi năm 1943. « Chiara luôn dành cho Chúa Giêsu mối ưu tiên hàng đầu. Cô bé gọi Chúa Giêsu là ‘bạn đời của con’ », như lời thố lộ với Zenit của bà Maria Grazia Magrini, thỉnh nguyện viên trong vụ án phong Chân Phước cho Chiara Badano.

Chiara thích ca múa, hát, chơi quần vợt và trượt băng. Chị thích đi núi, đi biển, và ‘luôn tìm cách dự Thánh Lễ mỗi ngày’. Hôm ấy, khi đang chơi quần vợt, chị bỗng nghe đau nhói khủng khiếp. « Con bé trở về nhà, xanh mét, vất vả bước lên cầu thang”, bà mẹ kể. « Sao thế, Chiara? » – mẹ hỏi. « Dạ, con đang chơi, bỗng nhiên đau nhói chỗ bả vai, khiến con làm rơi cả vợt ». Cơn đau không ngưng gia tăng. Kết quả chụp cắt lớp: Chiara bị chứng sacôm xương.

Sau những lần hóa trị liệu và phẫu thuật nhưng chẳng có kết quả gì, chị không còn có thể sử dụng được đôi chân của mình nữa. Cô gái trẻ yêu thể thao này, trong cơn đau đớn, vẫn thốt lên: « Nếu phải chọn lựa hoặc được bước đi trên mặt đất này hay được lên Thiên Đàng, tôi không do dự chọn Thiên Đàng. »

Chân Phước Chiara Badano

Trong thời gian này, chị thắt chặt tình thân đặc biệt với chị Chiara Lubich, người thường gọi cô là Chiara Badano ‘Luce - Ánh Sáng’. Những ngày tháng chấp nhận sự đau đớn ấy như hiệp thông vác Thánh Giá với Chúa Giêsu và đã giúp Chiara sửa soạn cho cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. « Có lẽ những khoảnh khắc đẹp nhất chính là mùa hè cuối cùng của bạn ấy, giai đoạn mà bạn ấy dường như bất động trên giường», lời chia sẻ của Chicca, người bạn thân. Chị không khóc, cũng không than vãn bao giờ, chỉ nhìn ngắm hình ảnh Chúa Giêsu đặt phía trên tủ mà thôi. Chị từ chối được chích morphine vì muốn luôn được minh mẫn và hiệp dâng sự đau đớn với Chúa Giêsu.

Chiara đã chuẩn bị đám tang mình: các bài sẽ được hát trong Thánh Lễ, trang phục, quan tài. Tất cả đối với chị là một lễ mừng. Chị ước ao được an táng trong bộ đầm trắng, như một vị hôn thê đến gặp Chúa Giêsu. Điều cuối cùng chị dặn dò mẹ: « Khi mặc y phục cho con, xin mẹ lặp lại ba lần câu này: ‘Chiara gặp Chúa Giêsu’ mẹ nhé ! ». Chiara Badano qua đời ngày 07.10.1990, sau khi thốt lên với mẹ: « Con hạnh phúc lắm, vì con được về với Ngài. »
Gần 20 năm sau, lúc 16 giờ ngày thứ bảy 25.09.2010, tại Divino Amore, một Đền Thánh ở Rôma. Thánh Lễ do Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phong Thánh, chủ sự được cử hành để phong Chân Phước cho Chiara Badano. Tối hôm ấy, hàng ngàn thành viên Focolare sẽ tập trung tại Hội Trường Phaolô VI của Vatican để mừng sự kiện lần đầu tiên một thành viên của Phong Trào mình được tôn vinh lên bàn thờ. Đức Hồng Y Amato tuyên dương Chiara Badano ‘Bạn là muối đất và ánh sáng của thế giới’ và ‘Thánh Chiara Badano là một nhà truyền giáo của Chúa Giêsu’.

Sáng Chúa nhật 26.09.2010, lúc 10 giờ 30, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã chủ tọa Thánh Lễ Tạ Ơn tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.

Trưa đó, sau khi đọc Kinh Truyền Tin với nhiều ngàn tín hữu hành hương tại khuôn viên dinh Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói: “Các bạn thân mến, chỉ có Tình Yêu, được viết bằng chữ hoa, nghĩa là Thiên Chúa, mới ban hạnh phúc đích thực! Một chứng nhân đã làm chứng về điều ấy, đó là một thiếu nữ được phong chân phước hôm qua ở Roma này. Tôi muốn nói đến Chiara Badano, một thiếu nữ Ý sinh năm 1971, bị bệnh qua lời lúc gần 19 tuổi, nhưng cô là một tia sáng cho tất cả mọi người, như biệt danh của cô ‘Chiara Luce’ (Ánh sáng rạng ngời). Giáo xứ của cô, giáo phận Acqui Terme và Phong trào Tổ ấm mà cô là thành viên, đang hân hoan vui mừng hôm nay - và cũng là đại lễ cho tất cả mọi người trẻ, họ có thể tìm thấy nơi Chiara một mẫu gương về cuộc sống phù hợp với niềm tin Kitô. Những lời cuối cùng của Chiara, hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa, đó là ‘Con chào mẹ. Xin mẹ hãy vui mừng hạnh phúc vì con được hạnh phúc’. Chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa, vì tình thương của Ngài mạnh hơn sự ác và sự chết; và chúng ta hãy cảm tạ Đức Trinh Nữ Maria, Đấng dẫn đưa người trẻ, kể cả qua những khó khăn và đau khổ, tiến đến chỗ yêu mến Chúa Giêsu và khám phá vẻ đẹp của cuộc sống.

2. Mary MacKillop, Thánh nữ Uùc đại lợi.

Mary McKillop sinh ra tại Melbourne năm 1842. Khi lên 14, cô phải làm việc để nuôi sống gia đình bằng việc làm cai (foreman) tại một nhà máy bán văn phòng phẩm và bản đồ. Sau đó, đến thị trấn Penola, Nam Uùc và đã gặp Cha Julian Woods. Cảm thấy có ơn gọi tu trì, nhưng không tìm thấy một dòng nào phù hợp nên, năm 1866, Mary và cha Woods thành lập một tu hội lấy tên là ‘dòng Thánh Giuse’ (The Sisters of St Joseph) lấy mục đích là giáo dục trẻ em nghèo.

Nhà dòng sống ‘bằng từ thiện’ vì không ai có thể bị từ chối giúp đỡ: những gì họ xin được trên đường phố, dùng làm thức ăn và quần áo cho người nghèo và các nữ tu hưởng phần sau cùng. Thường thì các nữ tu đi ngủ bụng đói. Không tiền, họ vẫn mở một trường học, một viện mồ côi, một nhà tạm cư cho những người hoạn nạn tại Adelaide.

Mẹ Mary khấn khó nghèo, tranh đấu cho những xác tín cuả mình và do đó đã dẫn tới nhiều cuộc xung đột với các đấng bản quyền, không thích các nữ tu đi xin ăn, nên Đức Giám mục Shiel rút phép thông công năm 1871. Quyết định đó còn do một lý do khác là Mẹ Mary đã lên tiếng về một giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em. Nhưng 6 tháng sau, khi hấp hối trên giường bệnh, Đức cha đã hối hận và tha vạ cho Mẹ Mary.

Thánh nữ Mary MacKillop

Năm 1883, Mẹ Mary lại có mâu thuẫn với bề trên về việc xin phê chuẩn luật dòng, Mẹ muốn có một qui chế trực thuộc Toà Thánh, bình đẳng hơn là một tổ chức theo cấp bậc. Đức Giám mục Reynolds đã đuổi Mẹ ra khỏi giáo phận và phải chuyển trụ sở nhà dòng qua Sydney nơi Mẹ qua đời ngày 08.08.1909. Lúc đó dòng có tất cả 650 nữ tu dạy hơn 12 ngàn học sinh tại Úc và Tân Tây Lan.

Ngày 19.01.1995, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước cho Mẹ tại trường đua Ranwick, Sydney. Năm 2009 Tổng Giáo Phận Brisbane nhận thánh nữ Mary MacKillop làm Bổn Mạng. Lễ kính vào ngày 08.08 hàng năm.

Thánh Mary MacKillop có một đức tin mạnh mẽ, một đức cậy bền vững và một đức mến nồng nhiệt. Mẹ phó thác trong tay Thiên Chúa là người Cha đầy lòng chăm sóc mọi người, một Thiên Chúa đầy quan phòng, luôn quan tâm tới con cái của Người. Và do đó, quan tâm nhân bản của Bà trở thành lòng nhiệt thành cao độ đối với thiện ích của con cái Người.

Thánh nhân cho thấy bộ mặt nhân bản của các thánh, chứ không phải là xa vời với các thực tế đau khổ trần gian. Các nạn nhân của lạm dụng tình dục có thể xem Mary MacKillop là một vị thánh mới để cầu nguyện cho họ. Sau cùng, đây là việc Giáo hội xác nhận sự Nên Thánh cho những người từng bị Giáo quyền trù dập và chứng minh sự khôn ngoan của Giáo hội và khả năng biết nhận lỗi lầm và sửa chữa các lỗi lầm ấy.
Hà-Minh Thảo

Sunday, October 24, 2010

Ngôn ngữ trần gian không lấp đầy hai tiếng.. "Mẹ ơi"...

Vâng! Đúng vây.


Như chúng ta biết, xuyên qua mọi thời đã có biết bao những ngòi bút thiên tài, hùng hồn đã cố gắng vẽ lên chân dung khác nhau về hình ảnh người Mẹ: Như; (Mẹ là vầng trăng sáng soi.., Mẹ là như biển thái bình.., Mẹ là dòng suối nước trong... Mẹ là cái gì đó thật là vĩ đại và đầy tự hào...) Nhưng, quả thực rất khó để có thể diễn tả được hết ý nghĩa tròn đầy trữ "Mẹ". Hình như là không dễ, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả nổi.


Nhưng với hiểu biết còn giới hạn, tôi xin mạo muội nói lên định nghĩa trữ "Mẹ" duy nhất bằng hai chữ "Cám Ơn" Với tôi chỉ có hai chữ này mới có thể nói lên nghĩa và sự trọn hảo của Mẹ. Người đã làm, làm và sẽ làm tất cả những gì tốt nhất cho những đứa con của Mẹ. Cho dù đó chỉ là những củ khoai, như tác giả miêu tả... (đọc ở dưới)

Nào các bạn hãy cùng tôi tôn vinh Mẹ bằng hai chữ "Cám ơn". Chúng con cám ơn Mẹ rất rất nhiều.

Các bạn biết không? Khi tôi đọc bài này không khỏi súc động và rơi lệ. Do vậy tôi đã viết vài giòng chữ để cảm nghiệm về nó và cũng muốn để chia sẻ với các bạn trong những lời "Cảm ơn " tới Mẹ chúng ta. Người là tất cả, là điểm tựa vững chắc cho cuộc đời và sự thành công của mỗi chúng ta...!


Cầu xin Chúa luôn gìn giữ, tre trở, bình an và niềm vui trong tùng giây phút cuộc sống của Mẹ chúng ta trên trần gian. Cũng xin các bạn luôn luôn nhớ đến mỗi người anh em của chúng ta đang gặp những khó khăn , thử thách ở Miền Trung yêu dấu qua những lời cầu nguyện hằng ngày và những sự hảo tâm.


Trần Châu Đông.

Lang thang tren net.

Sài Gòn,đêm! ..."Con biết mẹ giấu con!Cả đêm con không ngủ được,nhìn đồng hồ đã hơn 1h sáng,mấy ngày nay Sài Gòn cũng mưa và lạnh!Không biết bây giờ nước đã ngập đến đâu?Mẹ và các em thế nào rồi?Con nghe tin đợt này lũ dữ!"

Lúc tôi chưa đi học xa nhà,cứ đến những tháng này cả xã lại rộn ràng như có hội.Nhà nào cũng lo dự trữ thức ăn,nước uống,mang thóc lúa,hạt giống cất cao trên xà nhà,thu dọn đồ đạc chuẩn bị sẵn sàng!Nói có vẻ chế nhạo cái sự đời,cười trong nước mắt bởi lẽ quá quen thuộc với những người dân quê tôi hằng bao năm nay cái hình ảnh tang thương của bão lũ!Mọi người đón lũ như người mẹ chờ đón một đứa con ngỗ nghịch vậy!

Năm nay là năm đầu tiên tôi xa quê vào Sài Gòn học đại học.Ngày tôi bước lên xe ra đi,nhìn lại bóng dáng mẹ và hai đứa em thơ dại mà đỏ hoe đôi mắt!Tôi không biết mẹ đã bao nhiêu lần khóc vì đau khổ nhưng cái ngày tôi nhận được giấy báo trúng tuyển vào đại học sư phạm tôi thấy giật mình với cái cười của mẹ!Mẹ cười như thể mẹ đang khóc,mẹ vui sướng tưởng chừng như mẹ quá đau khổ,mẹ nức nở trước bàn thờ của ba và rồi ôm chầm lấy chị em tôi mà gào thét.Tôi biết,mẹ đang hạnh phúc đến nhường nào!Bởi lẽ cuộc đời ba mươi mấy năm trời của mẹ chưa khi nào có được một ngày ngon giấc vì lo cho con ăn học nên người!Tôi đi và để lại đằng sau lưng gánh nặng đè lên đôi vai mẹ.

..."Mùa lũ này con xa nhà!Ai giúp mẹ đây???...." Có lẽ mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ và phi thường nhất mà tôi từng gặp!Có thể tôi cũng biết đến những người phụ nữ nổi tiếng và giỏi giang,nhưng đối với tôi,nếu đưa ra so sánh thì chẳng có ai hơn mẹ tôi cả.Tôi nhớ vào mùa lũ cách đây hai năm,nước ngập xâm xấp xà ngang,mẹ con tôi đang ở trên "căn cứ" sát mái nhà,đã đến ngày thứ sáu,hết thức ăn dự trữ.Ngoài trời vẫn cứ mưa tầm tã,tấm ni lông che trên mấy ô ngói rỗng bay phần phật,5h chiều mà trời đã tối đen,hai đứa em rúc trong lòng mẹ,bụng tôi sôi lên ầm ĩ!"Mẹ,con đói!"Giọng con Út rên khe khẽ.Tôi thấy mẹ ngồi im lặng một giây ...rồi mắt mẹ sáng lên.Đưa hai em sang cho tôi,mẹ nói như ra lệnh :"Ngồi yên và đợi mẹ!"Ba đứa chúng tôi chỉ biết gật đầu rồi tròn xoe mắt nhìn mẹ chui qua mấy ô ngói rỗng biến mất trong khoảng trời giông bão.

"Mẹ ơi!Năm nay lũ lớn,mẹ lại phải thức trắng nhiều đêm..."

Một lúc lâu sau mẹ lại xuất hiện trên mái nhà,ướt đẫm,rũ rượi!Mẹ ngồi xuống lấy ra trong lòng một gói nhàu nhàu,nhăn nhúm!Cẩn thận mở ra và bên trong là những củ khoai lang luộc trầy trụa,mẹ đưa cho mỗi đứa một củ ăn ngon lành.Ngồi lặng yên mắt nhìn hoen lệ,mẹ cười hiền bảo mẹ không đói!Rồi cũng qua lũ!!!

..."Chú Kim giọng nhòa đi trong tiếng gió rít: thôn mình nước ngập trắng xóa không nhìn thấy nốc nhà,mẹ và hai em mày phải di dời lên trạm y tế xã cùng bà con trong thôn cả rồi!...Khi nào lên đấy chú đưa điện thoại cho mẹ con mày nói chuyện sau...Tiếng tút...tút...tút từ điện thoại phát ra rõ mồn một xoáy vào trí óc tôi!Những tiếng vọng từ radio thăm thẳm lặp đi lặp lại "Miền Trung đang oằn mình trong lũ,...bị thiệt mạng do lũ cuốn,...tài sản chìm trong biển nước mênh mông...miền Trung đau xót..."

Không hiểu là tôi học được cái tính gan lì từ mẹ hay tại vì đâu mà từ trước đến giờ ít ai thấy tôi khóc!Thế mà đêm nay,ngồi trong bóng tối,người con này mắt đẫm lệ!!Cái lần mà tôi phát hiện ra xuất xứ những củ khoai luộc mẹ mang về trong đêm mưa lũ ấy,tôi quá bàng hoàng và chỉ biết quỳ xuống trước mẹ!..."Mẹ,mẹ đâu có biết bơi??!"

Nhiều lần mẹ đã kể cho tôi nghe về câu chuyện mẹ suýt bị cuốn trôi trong dòng nước lũ khi còn bé,cho nên từ đó người phụ nữ gan dạ kiên cường chỉ ám ảnh duy nhất một điều là không thể biết bơi!Vậy mà trong cái đêm ấy...bác Thiêm đã ngỡ mình nhìn nhầm khi giữa biển nước mênh mông có một bóng đen đang bơi gần đến.Nước lạnh cóng,chảy cuồn cuộn,trời tối mịt mù cùng với nỗi ám ảnh cuộc đời,vậy mà tại sao,người phụ nữ ấy có thể..??Đó chính là tấm lòng người mẹ thương con,chịu hi sinh bản thân,đối mặt với sự sợ hãi đời đời kiếp kiếp để kiếm chút thức ăn làm ấm lòng các con thơ!Có lẽ đối với mỗi một người phụ nữ,một người mẹ,không sự sợ hãi nào lớn hơn tiếng khóc của con thơ.Vì cuộc sống của con mẹ sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mẹ!

..."Chiều nay con được nghe giọng run run của mẹ trong hàng trăm âm thanh lẫn lộn!Tiếng gió xé,tiếng người gào thét,khóc lóc,tiếng hai đứa em nhỏ gọi :mẹ ơi,mẹ ơi.Con biết nỗi đau đã vượt khỏi sưc tưởng tượng của mình,con nghĩ mẹ sẽ khóc lịm đi vì tuyệt vọng,nhưng mẹ lại đáp trong hỗn loạn bằng một giọng rắn rỏi: con yên tâm học tập,đã có mẹ lo,cả nhà đều bình an!"

Câu gọi mẹ ơi mà lúc đó tôi không sao nói được nên lời!Bão nối bão,lũ dồn lũ!Mẹ không nói thật với tôi là trên đường chạy lũ mẹ bế em Út bị ngã gãy chân đang phải cấp cứu.Chỉ vì mọi người chen chúc,dẫm đạp lên nhau mà dành lấy sự sống còn!Khi nào cũng vậy,tất cả những gì mẹ có thể giữ được là tấm hình của ba trên bàn thờ,nó vừa là những kỉ niệm tốt đẹp,vừa là hạnh phúc của mẹ,vừa là nguồn động viên của cả gia đình chúng ta!

Ba mất đến nay đã được bốn năm,người đàn ông trụ cột chính,ông ra đi cũng vì mưa bão!Lúc đang cố gắng cứu một đứa trẻ ra khỏi ngôi nhà gần bị nước nhấn chìm,một cây xà ngang bổ xuống,ba mãi mãi chìm vào dòng nước cùng với nỗi đau đớn tột cùng gào thét của mẹ.Chính vì thế mà tấm hình của ba quí giá vô cùng!Nó cũng như chúng tôi,những đứa con của mẹ day dứt nên từ máu thịt của mình.

..."Ngoài trời có giông lớn,con đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài trời mưa gió!Con vẫn biết rất rõ tình hình của mẹ thông qua chú Kim và gia đình của những đứa bạn,vậy mà con vẫn cười lặng im trong từng tiếng nói của mẹ.Con sợ nếu con yếu đuối mẹ cũng sẽ không thể vững lòng.Đó có phải chăng cũng là nhưng gì mẹ suy nghĩ??"

Chưa bao giờ tôi ngắm thật kỹ khuôn mặt mẹ!Tôi chỉ nhớ đôi mắt ấy mỗi đêm cười hiền ru cho ba chị em tôi ngủ.Tôi nhớ đôi bàn tay chai sạn đến mức xoa lên trán làm tôi phải la lên vì đau.Nhớ cái dáng nhanh nhẹn bế hai đứa em tôi ra đồng lúa vào những sáng tôi đi học.Và nhớ là tôi chưa một lần nói được câu :con yêu mẹ!

"Mẹ ơi!Mẹ không hề cô đơn chống chọi cùng mưa lũ,con gái của mẹ vẫn ngày ngày mong ngóng tin tức từ quê nhà yêu thương.Nơi con sinh ra và trưởng thành,cùng lớn lên hòa mình với lũ.Vì tình yêu của mẹ luôn thắp sáng lên ngọn lửa chỉ đường soi lối cho con trên cuộc đời này.Con không giận mẹ vì mẹ giấu con,ngược lại con càng khâm phục mẹ,người phụ nữ vĩ đại của con,tượng đài vững chãi trong cuộc đời con cho đến mai sau.Mẹ ơi...ngôn ngữ trần gian không chứa đầy hai tiếng ấy!"

...Sáng nay tỉnh dậy,con nghe :"miền Trung lũ chồng lên lũ,nỗi đau này chưa qua,nỗi đau khác đã ập đến....lại thêm một trận lũ mới tàn phá khúc ruột miền Trung...!"

Nhìn Sài Gòn đón ánh bình minh con nghẹn ngào bật tiếng :"Mẹ ơi!"

Tuesday, October 19, 2010

Mẹ ơi! Con xin lỗi Mẹ.

Đêm Hà Nội mưa buồn khủng khiếp, con ngồi thu gọn trong chiếc chăn ấm mà sao lòng con lạnh buốt và trống trải. Đã sang ngày mới nhưng con không ngủ được, lật nhẹ những trang nhật kí, mắt con nhòe lệ khi… Và hồi ức trong con ùa về…


 - Một ngày buồn!

Lần đầu tiên mình thấy mẹ khóc. Lỗi là tại mình, mẹ đã khóc bao nhiêu lần vì mình rồi nhỉ??... Lần đầu tiên mình thấy buồn thật sự, chẳng giống những nỗi buồn khi không được mẹ cho tiền đi xem phim, đi mua những bộ đồ đắt tiền hay buồn khi bị điểm kém… Hình ảnh những giọt nước mắt mẹ cứ hiện trong suy nghĩ mình. Nhưng sao mẹ phải nói ra những điều làm mình buồn như vậy?? mẹ không có thương mình hay chăng… Mình biết nhà mình chẳng giàu, ba mẹ phải vất vả bòn nhặt từng đồng lẻ, mình hiểu một mình ba không thể lo cho gia đình, vì vậy bao nhọc nhằn hằn trên lưng mẹ, mình đều thấy … nhưng mình cũng chỉ sống như nhiều đứa con gái khác, mình cũng cần mua những đôi giày sành điệu, bộ váy áo điệu đà, mình muốn đi đến các bữa tiệc, các buổi đi dã ngoại, … nhiều lắm các kế hoạch của mình, tất cả đều cần thiết. Thế là quá đáng sao?! Mình không hiểu… Chiều nay mẹ đã la mắng mình vì những điều đó, mẹ lại còn la mình lười biếng học hành, không biết thương ba mẹ… Rồi mẹ hỏi mình có bao giờ biết được nỗi vất vả của ba mẹ không? … và mẹ nói ra ba mẹ phải vất vả đến nhường nào để lo cho mình,… Lúc đó mình đã khóc, có lẽ mình đã hiểu một phần nỗi vất vả của ba mẹ, mình thấy thương mẹ, nhưng mình lại giận mẹ nhiều hơn, mình thấy lòng tự ái bị tổn thương nghiêm trọng… Tại sao mẹ biết rằng nói ra những lời đó sẽ làm mình buồn mà vẫn nói? Rõ ràng mẹ không thương mình!… Lúc đó mình đã nức nở, … nhưng rồi mẹ thì lặng yên không nói nữa, nước mắt mẹ lăn rơi trên gò má hơi rám nắng… ánh mắt mẹ nhìn mình chan chứa, môi mẹ mấp máy định nói điều gì… nhưng mình bỏ chạy... “con gét mẹ!”…Lúc đó không hiểu sao mình lại nghĩ như thế, bây giờ nghĩ lại thấy mình thật ngốc! Nhưng mình vẫn giận mẹ nhiều lắm!...”

Con còn nhớ rõ đêm hôm đó khi con viết đến đoạn nhật kí này thì mẹ bước vào, nhẹ nhàng… Con vờ như đã ngủ. Mẹ kéo chăn kín cổ con, khẽ vuốt tóc con, nước mắt mẹ lại rơi, chắc mẹ tưởng con đã ngủ. Giọng mẹ buồn quá! “ Mẹ sai rồi, đáng ra mẹ không nên nói ra những điều đó!... chỉ tại mẹ quá mệt mỏi vì công việc, mẹ chỉ mong con tốt hơn thôi…Chỉ muốn tốt hơn cho con thôi!... Lúc đó tai con oang oang, sống mũi con cay sè, con không biết gối con ướt đầm từ lúc nào mẹ ạ… “con xin lỗi”! Con thấy gét bản thân khi viết những dòng nhật kí đó, lần đầu tiên con không muốn mẹ thấy con khóc! Ngay lúc đó con muốn gục vào lòng mẹ và nói lời xin lỗi… nhưng rồi sau đó, một ngày, hai ngày…lâu hơn con vẫn không dám nói xin lỗi!... Mẹ có lẽ đã quên chuyện đó, mẹ nào có đòi hỏi lời xin lỗi từ con… Nhưng con vẫn nhớ và muốn nói 3 từ “con xin lỗi”…

2 năm trôi qua con vẫn cứ là kẻ hèn nhát mẹ ạ. Tại sao con không đủ can đảm để bộc lộ lòng mình, chỉ 1 câu nói khó khăn với con quá sao?… con xin lỗi!... Con không hiểu bản thân nghĩ gì nữa! 3h15 phút, trời đang sáng. Chuyến tàu sẽ đưa con về bên mẹ, tối qua ba nói mẹ đang bệnh nặng. Con còn biết nói gì hơn, chỉ thấy tim mình đau nhói! Con bỗng sợ mất điều gì đó,… Con tự hỏi nếu một ngày con chỉ có một mình? Không có mẹ!... Sống mũi con cay xè, và nước mắt con lăn dài trên má! Con òa khóc nức nở… Lần đầu tiên con thấm thía được vị mặn nơi đầu lưỡi… Có khi nào con bỏ lỡ điều gì? Con không thể... Ngày mai, mà không phải, chỉ mấy tiếng nữa thôi khi chuyến tàu đưa con về bên mẹ, con sẽ hét thật to 3 từ : “con xin lỗi” mẹ yêu của con!...

Monday, October 18, 2010

Đức Thánh Cha gửi thư cho các chủng sinh

Lang thang tren net.

VATICAN - Trong thư gửi các chủng sinh trong toàn Giáo Hội được công bố 18-10-2010, ĐTC Biển Đức 16 tái khẳng định sự cần thiết của các LM, đồng thời ngài làm nổi bật một số yếu tố quan trọng các chủng sinh cần vun trồng trong đời sống tại chủng viện.

ĐTC gửi thư này cho các chủng sinh nhân dịp kết thúc Năm Linh Mục. Yếu tố đầu tiên ngài nhấn mạnh là: ”Ai muốn trở thành linh mục, trước tiên phải là người của Thiên Chúa”, cần phải nuôi dưỡng quan hệ thân tình với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, sống Thánh Thể, và siêng năng lãnh nhận bí tích Thống Hối, nhạy cảm đối với lòng đạo đức bình dân, vun trồng đời sống trí thức sâu rộng.

ĐTC tái lên án những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em và ngài nhận định rằng ”vì những vụ lạm dụng ấy, có thể nảy sinh câu hỏi nơi nhiều người ”có nên làm linh mục hay không; con đường độc thân có phải là điều hợp lý đối với đời sống con người hay không. Nhưng sự lạm dụng đáng lên án sâu xa như thế không thể hạ giá sứ mạng của linh mục. Sứ mạng này vẫn tiếp tục là cao cả và tinh tuyền”.

Sau cùng ĐTC đề cao đời sống tại chủng viện như một thời kỳ để học hỏi với tha nhân và học hỏi từ người khác. Ngài viết: ”Trong cuộc sống chung đôi khi khó khăn, các bạn phải học quảng đại và bao dung không những trong việc chịu đựng lẫn nhau, nhưng cả trong việc làm cho nhau được thêm phong phú, làm sao để mỗi người có thể đóng góp năng khiếu riêng của mình cho mọi người, trong khi tất cả mọi người phục vụ cùng một Giáo Hội, cùng một Chúa”. Dưới đây là bản dịch nguyên văn lá thư của Đức Thánh Cha:

Các chủng sinh thân mến,
Hồi tháng 12 năm 1944, khi tôi được gọi đi thi hành nghĩa vụ quân sự, vị đại đội trưởng hỏi mỗi người chúng tôi xem đâu là nghề mà chúng tôi muốn làm trong tương lai. Tôi trả lời là muốn trở thành linh mục Công Giáo. Viên thiếu úy đáp: ”Vậy thì anh phải chọn cái gì khác đi. Trong ”Nước Đức mới” này không cần linh mục nữa. Tôi biết rằng cái Nước Đức mới ấy đã bắt đầu cáo chung, và sau những tàn phá kinh khủng do sự điên rồ gây ra trên đất nước này, người ta sẽ cần các linh mục hơn bao giờ hết. Ngày nay tình thế khác hẳn. Nhưng qua những cách thế khác nhau, nhiều người ngày nay cũng nghĩ rằng linh mục Công Giáo là một ”nghề” không có tương lai, và đúng hơn linh mục thuộc về quá khứ. Các bạn thân mến, các bạn đã quyết định gia nhập chủng viên, và tại đó các bạn tiến về sứ vụ linh mục trong Giáo Hội Công Giáo, bất chấp những vấn nạn và ý kiến vừa nói. Các bạn có lý mà làm như vậy. Vì con người sẽ luôn cần Thiên Chúa, cả trong thời đại kỹ thuật thống trị thế giới và hoàn cầu hóa: người ta vẫn cần vị Thiên Chúa tự biểu lộ trong Đức Giêsu Kitô và là Đấng đã tụ họp chúng ta trong Giáo Hội hoàn vũ, để học với Người và nhờ Người về cuộc sống chân thực và để giữ cho các tiêu chuẩn của nhân loại đích thực được hiện diện và hữu hiệu. Nơi nào con người không nhận thấy Thiên Chúa nữa, thì cuộc sống trở nên trống rỗng; tất cả trở nên thiếu thốn. Rồi con người tìm nơi nương náu trong sự mê mẩn hoặc trong bạo lực, là những điều ngày càng đe dọa tuổi trẻ. Thiên Chúa hằng sống. Ngài đã kiến tạo mỗi người chúng ta và vì thế Ngài biết tất cả mọi người. Ngài cao cả đến độ có thời giờ cho những chuyện nhỏ bé của chúng ta: ”Tóc trên đầu các con đã được đếm hết”. Thiên Chúa sống động, và Ngài cần những người sống cho Ngài và đưa Ngài đến với tha nhân. Đúng vậy, trở thành linh mục thật là điều có ý nghĩa: thế giới đang cần linh mục, cần các vị mục tử, ngày nay, ngày mai và mãi mãi, cho đến khi nào thế giới còn hiện hữu.

Chủng viện là cộng đoàn tiến về sứ vụ linh mục. Qua câu này tôi đã nói một điều rất quan trọng: đó là ta không một mình trở thành linh mục. Cần có ”cộng đoàn các môn đệ”, toàn thể những người muốn phục vụ Giáo Hội. Qua lá thư này, - nhìn lại thời gian tôi ở chủng viện,- tôi muốn làm nổi bật vài yếu tố quan trọng cho những năm các bạn đang sống tại chủng viện.

1. Ai muốn trở thành linh mục, trước tiên phải là ”người của Thiên Chúa”, như thánh Phaolô đã nói (1 Tm 6,11). Đối với chúng ta, Thiên Chúa không phải là một giả thuyết xa vời, không phải là một người vô danh rút lui sau ”big bang” vụ nổ đầu tiên. Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong Đức Giêsu Kitô. Trong khuôn mặt Đức Giêsu Kitô, chúng ta thấy tôn nhan Thiên Chúa. Qua những lời của Người, chúng ta nghe thấy chính Thiên Chúa nói với chúng ta. Vì thế, điều quan trọng nhất trong hành trình tiến về chức linh mục và trong trọn cuộc đời linh mục là quan hệ bản thân với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Linh mục không phải là nhà quản trị một hội đoàn nào đó, tìm cách duy trì hoặc gia tăng con số các hội viên. Linh mục là sứ giả của Thiên Chúa giữa loài người. Linh mục muốn dẫn đưa con người về cùng Ngài và qua đó làm gia tăng cả tình hiệp thông giữa con người với nhau. Vì thế, các bạn thân mến, điều rất quan trọng là các bạn học cách sống trong sự tiếp xúc liên lỷ với Thiên Chúa. Khi Chúa nói: ”Các con hãy cầu nguyện trong mọi lúc”, Ngài không yêu cầu chúng ta phải đọc kinh liên tục, nhưng có nghĩa là đừng bao giờ đánh mất sự tiếp xúc nội tâm với Thiên Chúa. Tập luyện tiếp xúc như thế chính là ý nghĩa việc cầu nguyện của chúng ta. Bởi vậy, điều quan trọng là mỗi ngày được bắt đầu và kết thúc bằng việc cầu nguyện. Chúng ta hãy lắng nghe Thiên Chúa qua việc đọc Kinh Thánh. Chúng ta hãy nói với Chúa về những mong ước và hy vọng, những vui mừng và đau khổ, những lầm lẫn của chúng ta và cám ơn Ngài vì mọi điều tốt đẹp, và qua đó chúng ta luôn có Chúa trước mắt như điểm tham chiếu cho đời sống chúng ta. Như thế chúng ta trở nên nhạy cảm đối với những lỗi lầm của mình và học cách cải thiện bản thân; chúng ta cũng trở nên nhạy cảm đối với tất cả những gì là tốt đẹp mà chúng ta lãnh nhận hằng ngày như một điều hiển nhiên, và nhờ đó lòng biết ơn của chúng ta được tăng trưởng. Cùng với lòng biết ơn, niềm vui cũng gia tăng vì Thiên Chúa ở gần chúng ta và chúng ta có thể phụng sự Ngài.

2. Thiên Chúa không phải chỉ là một lời nói cho chúng ta. Trong các Bí Tích, Ngài đích thân hiến mình cho chúng ta, qua cả những sự vật thể chất. Trung tâm quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và biến đời sống chúng ta trở nên đồng hình dạng với Chúa chính là Thánh Thể. Cử hành Thánh Lễ với sự tham dự nội tâm và qua đó gặp gỡ chính Chúa Kitô, phải là trung tâm toàn thể ngày sống của chúng ta. Thánh Cipriano đã giải thích lời cầu xin trong Tin Mừng: ”Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, và Người nói rằng: lương thực của chúng ta, bánh mà chúng ta có thể lãnh nhận trong tư cách là Kitô hữu trong Giáo Hội, chính là Chúa Giêsu Thánh Thể. Trong lời cầu của kinh Lạy Cha, chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta lương thực hằng ngày ấy của ”chúng ta”; xin cho bánh ấy luôn là lương thực cho cuộc sống chúng ta. Xin Chúa Kitô phục sinh, Đấng hiến mình cho chúng ta trong Thánh Thể, uốn nắn toàn thể cuộc sống chúng ta trong tình yêu rạng ngời của Chúa. Để cử hành Thánh Lễ đúng đắn cũng cần phải học biết Thánh Lễ, hiểu và yêu mến phụng vụ của Giáo Hội trong hình thức cụ thể. Trong phụng vụ chúng ta cầu nguyện với các tín hữu qua mọi thời đại - quá khứ, hiện tại và tương lai hợp nhau trong một đại kinh nguyện chung duy nhất. Như tôi có thể quyết do kinh nghiệm bản thân, thật là một điều phấn khởi khi học hiểu từ từ tất cả những điều ấy tăng trưởng thế nào, biết bao nhiêu kinh nghiệm đức tin chứa đựng trong cơ cấu phụng vụ Thánh lễ, bao nhiêu thế hệ đã hình thành phụng vụ ấy khi cầu nguyện!

3. Cả bí tích Thống Hối cũng quan trọng. Bí tích này dạy tôi nhìn bản thân từ nhãn giới của Thiên Chúa và bó buộc tôi phải lương thiện đối với chính mình. Nó làm cho tôi khiêm tốn. Thánh Cha Sở họ Ars có lần đã nói: Anh chị em nghĩ rằng lãnh nhận ơn xá giải bây giờ là điều vô nghĩa, vì ngày mai anh chị em sẽ phạm cùng những tội như vậy. Nhưng - thánh nhân nói - trong lúc này chính Thiên Chúa đã quên các tội của anh chị em ngày mai, để ban ơn thánh cho anh chị em hôm nay. Mặc dù chúng ta phải liên tục bài trừ những lỗi lầm như thế, điều quan trọng là đừng làm cho linh hồn trở nên xấu xa, chống lại sự dửng dưng cam chịu sự kiện như vậy. Điều quan trọng là tiếp tục hành trình, không bối rối, với ý thức biết ơn vì Thiên Chúa luôn sẵn sàng tái tha thứ cho tôi. Và cũng không được có thái độ dửng dưng, vì nó khiến cho ta không còn chiến đấu để nên thánh và cải thiện. Và khi để cho mình được tha thứ, tôi cũng học cách tha thứ cho tha nhân. Khi nhìn nhận tình trạng lầm than của mình, tôi cũng trở nên khoan dung và cảm thông hơn đối với những yếu đuối của tha nhân.

4. Các bạn hãy duy trì nơi mình sự nhạy cảm đối với lòng đạo đức bình dân, lòng đạo đức này khác nhau trong mọi nền văn hóa, nhưng dầu vậy xét cho cùng, chúng luôn luôn rất giống nhau vì con tim của con người vẫn như nhau. Dĩ nhiên, lòng đạo đức bình dân có xu hướng trở nên vô lý, có lẽ đôi khi nó chỉ có hình thức bề ngoài. Nhưng loại bỏ hoàn toàn lòng đạo đức bình dân là điều rất sai lầm. Qua lòng đạo đức ấy, đức tin đi vào tâm hồn con người, trở nên thành phần tâm tình, tập quán, cảm thức chung và lối sống của họ. Vì thế, lòng đạo đức bình dân là một gia sản lớn của Giáo Hội. Đức tin được trở nên cụ thể. Chắc chắn lòng đạo đức bình dân phải luôn được thanh tẩy, được qui hướng vào điều trọng yếu, nhưng nó đáng được chúng ta yêu mến, và lòng đạo đức ấy làm cho chúng ta trở thành ”Dân Chúa” một cách rất thực tế.

5. Thời gian ở chủng viện cũng là và trên hết là thời gian học hành. Đức tin Kitô có một chiều kích lý trí và trí tuệ rất thiết yếu. Nếu không có chiều kích này, thì đức tin sẽ chẳng còn nguyên vẹn. Thánh Phaolô nói về ”một hình thức giáo dục” mà chúng ta được ủy thác trong bí tích rửa tội (Rm 6,17). Tất cả các bạn đều biết lời Thánh Phêrô, được các nhà thần học thời Trung Cổ coi như là lời chứng minh một nền thần học hợp lý trí và được soạn thảo một cách khoa học: ”Luôn luôn sẵn sàng trả lời cho những ai hỏi các anh chị em về lý do tại sao anh chị em hy vọng” (1 Pt 3,15). Học biết khả năng mang lại những câu trả lời như thế chính là một trong những mục đích chính của những năm ở chủng viện. Tôi chỉ có thể tha thiết xin các bạn: hãy học hành nghiêm túc! Hãy tận dụng những năm học hành! Các bạn sẽ không hối hận về điều này. Có lẽ nhiều khi các môn học có vẻ rất xa rời đời sống Kitô thực tế và việc mục vụ. Nhưng thật là hoàn toàn sai lầm khi luôn luôn đặt vấn đề thực dụng: điều này có giúp ích cho tôi sau này hay không? Điều này có lợi ích thực tế và thực dụng mục vụ hay không? Điều đúng đắn là không phải chỉ học những gì hiển nhiên là hữu ích, nhưng cần phải biết và hiểu cơ cấu nội tại của đức tin trong toàn thể, để đức tin trở thành câu trả lời cho những thắc mắc của con người, xét về bề ngoài con người thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng xét cho cùng họ vẫn không thay đổi. Vì thế, điều quan trọng là đi xa hơn những vấn nạn thay đổi nhất thời để hiểu những vấn đề thực sự là cơ bản và như thế cũng hiểu được những câu trả lời như câu giải đáp thực sự. Điều quan trọng là biết rõ toàn bộ Kinh Thánh, trong sự thống nhất của Cựu và Tân Ước: sự hình thành các văn bản, đặc tính văn thể của chúng, sự cấu thành từ từ cho đến khi họp thành sổ bổ các sách thánh, sự thống nhất năng động nội tại của các văn bản Kinh Thánh không ở trên mặt ngoài, và chỉ có sự thống nhất ấy mới mang lại cho tất cả và từng văn bản ý nghĩa trọn vẹn.

Điều quan trọng là biết các Giáo Phụ và các Đại Công đồng, trong đó Giáo Hội đã hấp thụ, suy tư và tin những lời xác quyết nòng cốt của Kinh thánh. Tôi có thể tiếp tục nói thêm rằng: điều mà chúng ta gọi là tín lý, đó là cách thức hiểu nội dung đức tin trong toàn bộ thống nhất, và cả trong sự đơn thuần của chúng: mỗi điều đơn độc, xét cho cùng, chỉ là sự triển khai niềm tin nơi Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã và đang tự biểu lộ cho chúng ta. Tôi không cần nói minh thị về tầm quan trọng của việc biết rõ những vấn đề thiết yếu của thần học luân lý và đạo lý xã hội Công Giáo. Ngày nay thần học đại kết cũng rất quan trọng; hiển nhiên cần hiểu biết các cộng đoàn Kitô khác; cũng vậy cần phải có một định hướng căn bản về những tôn giáo lớn, và không quên triết học: hiểu biết sự tìm kiếm của con người và những vấn đề được đặt ra, mà đức tin có thể mang lại một câu trả lời cho những vấn đề ấy. Nhưng các bạn cũng hãy học hiểu và - tôi dám nói là - yêu mến giáo luật trong sự cần thiết nội tại của nó và trong những hình thức áp dụng thực tế: một xã hội không có luật sẽ là một xã hội thiếu các quyền. Luật là một điều kiện của tình yêu. Ở đây tôi không luốn tiếp tục liệt kê, nhưng chỉ muốn nhắc lại rằng: các bạn hãy yêu mến việc học thần học và theo đuổi việc học với một sự nhạy cảm chú ý, để đặt thần học ăn rễ sâu trong cộng đồng sinh động của Giáo Hội. Với uy tín của m[inh, Giáo Hội không phải là một trục chống lại khoa thần học,nhưng là điều mà thần học giả thiết phải có. Nếu không có Giáo Hội tin tưởng, thì thần học không còn là chính mình nữa và trở thành một mớ các khoa khác nhau mà không có sự thống nhất nội tại.

6. Những năm ở chủng viện cũng phải là một thời kỳ trưởng thành về nhân bản. Để là linh mục, là người phải tháp tùng tha nhân trong suốt hành trình cuộc sống và cho đến cánh cửa sự chết, điều quan trọng là linh mục phải đặt trong vị thế quân bình con tim và trí tuệ, lý trí và tình cảm, thân xác và linh hồn, và linh mục phải ”toàn vẹn” là con người. Chính vì thế truyền thống Kitô vẫn luôn liên kết các ”nhân đức đối thần” với ”các nhân đức trụ” xuất phát từ kinh nghiệm con người và từ triết học, và nói chung là truyền thống luân lý đạo đức lành mạnh của nhân loại. Thánh Phaolô đã nói rất rõ về điều đó với các tín hữu thành Philiphê ”Sau cùng, hỡi anh em, tất cả những gì là chân thật, cao thượng, công chính, tinh tuyền, dễ thương, đáng tôn trọng, tất cả những gì là tốt trong nhân đức và lời khen ngợi của con người, đó là điều phải làm cho anh em quan tâm” (4,8). Sự hội nhập phái tính trong toàn bộ nhân cách cũng thuộc vào bối cảnh này. Tính dục là một món quà của Đấng Tạo Hóa, nhưng cũng là một trách vụ có liên hệ tới sự phát triển con người. Khi tính dục không được hội nhập vào con người, nó sẽ trở thành một cái gì tầm thường và đồng thời phá hoại. Chúng ta thấy điều đó trong xã hội chúng ta qua nhiều ví dụ. Gần đây chúng ta phải rất đau lòng mà nhận thấy rằng có những linh mục đã làm biến thái sứ vụ của mình vì lạm dụng tính dục trẻ em và người trẻ. Thay vì dẫn đưa những người trẻ ấy đến sự trưởng thành nhân bản, và trở nên mẫu gương cho họ, thì các linh mục đó, qua sự lạm dụng, đã tạo ra sự phá hủy mà chúng ta cảm thấy rất đau đớn và rất lấy làm tiếc. Vì tất cả những điều ấy, có thể nhiều người, và có thể là cả các bạn nữa cũng muốn biết xem có nên trở thành linh mục hay không và con đường độc thân có hợp lý như cuộc sống của con người hay không. Tuy nhiên sự lạm dụng, là điều phải bị tuyệt đối lên án, không thể làm mất uy tín sứ vụ của linh mục, sứ vụ này vẫn cao cả và tinh tuyền. Tạ ơn Chúa, tất cả chúng ta đều biết những linh mục có sức thuyết phục, đầy đức tin, các vị làm chứng rằng trong bậc sống ấy và nhất là trong đời sống độc thân, người ta có thể đạt tới một sự nhân bản chân thực, tinh tuyền và trưởng thành. Nhưng những gì đã xảy ra phải làm cho chúng ta cảnh giác và chú ý hơn, nhất là để tự xét kỹ lưỡng bản thân mình trước mặt Chúa, trên con đường linh mục, để hiểu xem đó có phải là ý Chúa muốn cho tôi hay không. Các cha giải tội và các Bề trên của các bạn có trách vụ tháp tùng và giúp đỡ các bạn trong hành trình phân định này. Thực hành các nhân đức nhân bản cơ bản là một yếu tố thiết yếu trong con đường của các bạn,luôn hướng nhìn về Thiên Chúa, Đấng tự biểu lộ trong Chúa Kitô, và hãy luôn để cho Chúa tái thanh tẩy.

7. Ngày nay, sự khởi đầu ơn gọi thường khác nhau hơn so với quá khứ. Quyết định trở thành linh mục ngày nay thường nảy sinh từ một kinh nghiệm nghề nghiệp đã làm ở ngoài đời. Quyết định ấy thường chín mùi trong cộng đoàn, đặc biệt trong các phong trào, vốn tạo điều kiện cho một cuộc gặp gỡ cộng đồng với Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, một kinh nghiệm tinh thần và một niềm vui trong việc phục vụ đức tin. Quyết định cũng chín mùi trong những cuộc gặp gỡ hoàn toàn bản thân với sự cao cả và lầm than của con người. Như thế, các ứng sinh linh mục thường sống trên các đại lục rất khác nhau về tinh thần. Có thể khó nhận ra những yếu tố chung của các những người sẽ được sai đi và hành trình tinh thần của họ. Chính vì điều ấy mà chủng viện thật là quan trọng như một cộng đồng lữ hành vượt lên trên những hình thức linh đạo khác nhau. Các phong trào cũng là một điều tuyệt vời. Các bạn biết tôi đánh giá rất cao các phong trào và quý mến họ như một hồng ân của Chúa Thánh Linh ban cho Giáo Hội. Nhưng họ phải được đánh giá theo các thức họ đều cởi mở đối với thực tại Công Giáo chung, với đời sống của Giáo Hội duy nhất và chung của Chúa Kitô, tuy có nhiều khác biệt nhưng vẫn là một. Chủng viện là thời kỳ các bạn học hỏi với người khác, và học hỏi lẫn nhau. Trong đời sống chung, nhiều khi có thể khó khăn, nhưng các bạn phải học thái độ quảng đại và bao dung không những bằng cách chịu đựng lẫn nhau, nhưng còn làm cho nhau được thêm phong phú, đến độ mỗi người có thể đóng góp năng khiếu riêng của mình cho tập thể, trong khi tất cả đều phục vụ cùng một Giáo Hội, cùng một Chúa. Nhất là trường học dạy bao dung, chấp nhận và cảm thông lẫn nhau trong thân mình duy nhất của Chúa Kitô, thuộc vào số những yếu tố quan trọng trong những năm của các bạn ở chủng viện.

Các chủng sinh thân mến! Qua những dòng này tôi đã muốn tỏ cho các bạn thấy tôi đã nghĩ nhiều đến các bạn trong thời kỳ khó khăn này và gần gũi các bạn dường nào trong kinh nguyện. Các bạn cũng hãy cầu nguyện để tôi có thể chu toàn sứ vụ của tôi, bao lâu Chúa muốn. Tôi phó thác hành trình của các bạn chuẩn bị tiến lên chức linh mục cho sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria, nhà của Mẹ đã từng là một trường học đầy thiện ích và ân phúc. Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha, là Con và Thánh Linh, chúc lành cho tất cả các bạn.

Vatican ngày 18 tháng 10 năm 2010

Tôi thuộc về các bạn trong Chúa

Biển Đức 16, Giáo Hoàng.

LM. Trần Đức Anh OP

Kinh Thánh tiếng Việt hình thành thế nào?

Viết bởi BQT

Chủ nhật, 26 Tháng 4 2009 19:28

Chúng ta tìm hiểu đôi nét lịch sử của các bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt.
Cho đến nay, dù thích hay không thích, Kinh Thánh Kitô giáo vẫn là cuốn sách được nhiều người đọc nhất. Kinh Thánh chứa đựng tất cả những điều giúp cho con người của bất cứ thời đại nào tim cho mình một con đường ứng xử nhân bản thích hợp với đồng loại và Thiên Chúa. Kinh Thánh là công cụ truyền giáo không thể thiếu để giới thiệu nội dung giáo lý chân chính và sâu thẳm cho người muốn tin theo đạo và sống đạo.
Trước đây, Kinh Thánh chưa được phổ biến nhiều vì hai lý do chính:

Lời Thiên Chúa mặc khải cho nhân loại không phải bất cứ ai cũng có thể giải thích Kinh Thánh chính với tấm lòng tôn kính và đủ tư cách. Do đó, theo quan niệm đương thời không nên phổ biến Kinh Thánh cho bất cứ ai và bất cứ ai cũng không nên tùy tiện diễn dịch Kinh Thánh.

Trong Giáo Hội Công Giáo cho đến nay, cộng đoàn tín hữu phải hiểu Kinh Thánh theo ý nghĩa được Giáo Hội chính thức diễn dịch hiểu biết. Đó là tôn kính Lời Chúa và sentire cum Ecclesia để bảo toàn đức tin tông truyền và chân truyền của Công Giáo
Điều kiện kỹ thuật ấn hành không dễ dàng với tất cả mọi người, mọi thời đại. Khi kỹ thuật ấn hành tiến bộ ở Âu châu thì Kinh Thánh cũng dần dần được phổ biến đến nhiều người thuộc các cộng đồng tôn giáo và dân tộc hơn.
Nhưng điều này dẫn đến việc hiểu biết Kinh Thánh trở nên dị biệt và phức tạp hơn theo cảm nhận cá nhân hay tập thể nhân loại của những người đọc và tìm hiểu Kinh Thánh thuộc khuynh hướng tín ngưỡng khác nhau.

Khi mới đến Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XVII, muốn truyền giáo được hiệu quả theo tinh thần nhập thể, các linh mục tu sĩ dòng Tên thuộc nhiều quốc gia khác nhau như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, … đã dành nhiều thì giờ tìm hiểu văn minh văn hóa Việt Nam. Vì chữ Nôm khó học và mất nhiều thời gian, nhất là đối với người phương Tây, nên các nhà truyền giáo đã có sáng kiến xây dựng một phương pháp mới dùng mẫu tự La Tinh để ghi âm tiếng Việt Nam, về sau gọi thành chữ Quốc Ngữ phổ cập trong thời kỳ Việt Nam mở cửa tiếp xúc với Văn hóa phương Tây.
Chữ Quốc Ngữ Trong Từng Thời Đại Đã Qua

Thời Đại Chữ Vuông Khoa Đẩu
Việt Nam đã trải qua mấy thời kỳ có nhiều hình thức chữ quốc ngữ được hình thành khác nhau trong lịch sử lập quốc. Chữ quốc ngữ tiên khởi của chúng ta không có những tài liệu để lại cho đến ngày nay. Nhưng chắc chắn chữ đó có thể chung cho tiếng nói ban đầu của các bộ lạc Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử, chia Trung Hoa làm Hoa Bắc với Hoa Nam. Hoa Nam gần gũi các dân tộc Đông Nam Á phân tán rải rắc trên đất liền châu Á hay ở nhiều hải đảo trên Nam Thái Bình Dương hơn.Lần đầu có lẽ là chữ Hán thời Triệu Đà (207-111 Trước Công Nguyên). Có thể thứ chữ Hán này chung cho cả bộ phận chữ vuông có lẽ được dùng để viết những bộ cổ sử Việt Nam thời Việt Nam chịu kiếp đô hộ từ đời Hán Đường đến khi Việt Nam giành được quyền độc lập vào thời Ngô Quyền (905-939 Sau CN) ở khoảng đầu thế kỷ thứ mười Công Nguyên.
Ở nhiều thế kỷ sau, (968-1407) (1427-1771) [có nhiều nhà nghiên cứu nói từ thời Hàn Thuyên và nhiều tác giả khác đã sang tác chữ nôm và xúc tiến cả một nền văn học chữ nôm trong đời Trần], người Việt mới hình thành thứ chữ nôm, cơ bản là khối chữ vuông giống như chữ Hán. Thứ chữ này khác với chữ nho cũng xuất phát từ chữ Hán nhưng đã được giới trí thức chử Hán thêm hay bớt những bộ chữ và đọc khác đi so với cách phát âm nguyên thủy và chứa đựng một nội dung khác tùy theo triều đại cai trị từ Trung Hoa, như Hán nho, Đường Nho, Tống nho và Minh nho và Tân nho.

Cả hai thứ chữ nho và chữ nôm đều những khối chữ vuông, có những nét độc đáo thể hiện tinh thần độc lập tự chủ về văn hóa và chính trị xã hội của giống Việt phía Nam làm thành nước Việt Nam ngày nay. Hệ thống chữ Hán, chữ Nho cũng như chữ Nôm thường chuyển tải văn hóa của nòi Việt dù trong chính lúc nó vẫn được sử dụng làm công cụ của giai cấp thống trị, nhất là nòi Việt bị Bắc Phương đô hộ trong đó có lần lượt có văn hóa nguyên thủy bản địa, văn hóa tam giáo cho đến khi có chữ quốc ngữ mới, xuất phát từ chữ quốc ngữ dựa trên nền tảng mẫu tự Latinh của phương Tây.
Chữ quốc ngữ mới trong các giai đoạn hình thành (1591-1945), (1945-1975) không phải không gặp những khó khăn do những người có tinh thần bảo thủ và dị ứng với phương Tây, đặc biệt thời Văn Thân chủ trương “bình Tây sát Tả” . Họ cho rằng chữ quốc ngữ mới là công cụ của chủ nghĩa thực dân và làm gián đoạn quá trình thành lập văn hóa Việt Nam với nền tảng truyền thống dựa trên khối chữ vuông (1975-2007)
Thời Đại Chữ Quốc Ngữ Mới La Tinh Hóa
Ở giai đoạn phôi thai, nhiều nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã cộng tác với nhiều người Việt Nam và ngoại quốc khác, soạn thảo ra những tài liệu quí giá như cuốn Từ Vựng Việt Nam - Bồ-đào-nha do Linh Mục Gaspard de Amaral soạn thảo bằng chữ Quốc Ngữ. Linh Mục Antoine de Barbosa biên soạn tiếp cuốn Từ Vựng Bồ-đào-nha - Việt Nam. Dựa vào đó, về sau Linh Mục Alexandre de Rhodes (Alịchsơn Đắc Lộ) hệ thống lại và soạn ra bộ Từ Ðiển Việt Nam - Bồ-đào-nha - La Tinh.

Sách nầy được phát hành tại Rôma vào năm 1651. Linh Mục Alexandre de Rhodes cũng xuất bản một số sách vở khác bằng chữ Quốc Ngữ và ông được xem là cha đẻ của chữ Quốc Ngữ như chúng ta biết. Nhưng không ai phủ nhận công lao khai phá ban đầu của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha tiên khởi và sự cộng tác của nhiều người thuốc các quốc tịch khác nhau, kể cả người Việt Nam.

Tuy nhiên cũng không vì thế mà đề cao Linh Mục thừa sai Alịchsơn Đắc Lộ (người thuộc lãnh địa Avignon) phần nào dính dấp tới người Pháp, dù sau này người Pháp đã đi đến chế độ thuộc địa ở tại Việt Nam. Sau đó, chữ Quốc Ngữ đã thay thế chữ Nôm trở thành chữ viết chính thức của người Việt, vì sự tiện dụng và dễ hấp thụ của nó, hơn là chỉ do chế độ thực dân Pháp độc đoán quyết định cưỡng chế áp dụng, phục vụ cho quyền lợi của Phương Tây về chính trị, văn hóa xã hội.
Chữ Viết Việt Nam Chuyển Tải Kinh Thánh

Mặc dầu chữ Quốc Ngữ La Tinh Hóa được phát minh từ thế kỷ 17 với mục đích đầu tiên là phổ biến Tin Mừng, nhưng phải mất gần 250 năm sau, đến năm 1872, Giáo Hội Công Giáo mới phát hành những phần Kinh Thánh rời rạc đầu tiên bằng tiếng Việt.
Suốt gần 100 năm kế tiếp, các bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ của Giáo Hội Công Giáo chỉ mới phổ biến dè dặt phục vụ cho hàng giáo phẩm, chứ chưa phổ biến rộng rãi đến cộng đồng tín hữu, vì nhiều lý do.
Trong các nguyên nhân đó, phải kể đến trình độ nhận thức và học vấn của toàn thể cộng đồng dân Chúa, nhất là các tín đồ trong việc giải thích và hiểu biết ý nghĩa của Kinh Thánh hiệp thông với cách hiểu của toàn thể giáo hội. Lúc đầu, người ta sợ việc truyền bá Kinh Thánh có thể dễ bị hiểu sai lạc, do đó nên tiến hành phổ biến Kinh Thánh dần dần theo tầm mức nhận thức và trưởng thành về đạo lý và thực hành đời sống đạo.
Thực sự, mãi đến sau Công Ðồng Vatican II (1963-1965), cùng với tiến trinh trưởng thành của nhận thức hiểu và sống đạo, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mới thực hiện những nỗ lực đáng kể để phiên dịch và phổ biến Kinh Thánh bằng Việt Ngữ.


rong Giáo Hội Tin Lành, trước khi Tin Lành được truyền bá vào Việt Nam, một số sách Tin Mừng đã được dịch ra tiếng Việt với mục đích chuẩn bị cho công việc truyền giáo. Chỉ năm năm sau khi Tin Lành truyền đến Việt Nam (1911), vào năm 1916 các nhà lãnh đạo Tin Lành mới bắt đầu cho phiên dịch toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Việt. Công trình này kéo dài gần 10 năm và đến năm 1926, các tín hữu Tin Lành Việt Nam đã có bộ Kinh Thánh đầu tiên bằng ngôn ngữ của mình.
Căn cứ vào những tài liệu từ Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Tin Lành, và tài liệu của Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại (The Bristish and Foreign BiBle Societies), tiền thân của Thánh Kinh Hội Liên Hiệp (United Bible Societies - UBS), quá trình phiên dịch và xuất bản Kinh Thánh Việt Ngữ có thể tóm thuật như sau.

Những Nỗ Lực Trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Vào năm 1872, Giáo Hội Công Giáo xuất bản một cuốn sách hướng dẫn về nghi thức phụng vụ, trong đó có phiên dịch một số sách Phúc Âm trong Kinh Thánh. Cuốn sách trên được phát hành tại Bangkok, Xiêm La vào năm 1872.
Năm 1913-1914, Giáo Hội Công Giáo đã xuất bản Thánh Kinh Cựu Ước. Bản dịch nầy được in song ngữ với bản La-tinh Vulgata. Ðến năm 1916, Giáo Hội Công Giáo phát hành Tân Ước và cũng in song ngữ, một bên là chữ Việt, một bên là chữ La Tinh theo bản Vulgata. Bản dịch nầy do Linh Mục Albert Schlicklin thực hiện, dịch từ bản Kinh Thánh La Tinh Vulgata, là bản Kinh Thánh được Vatican chính thức công nhận.

Linh Mục Albert Schlicklin thường được các học giả cũng như Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam gọi là Cố Chính Linh. Bản dịch Kinh Thánh trên được các giáo sỉ thuộc Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions Étrangères de Paris) tại Hong Kong phát hành.
Năm 1925, Giáo Hội Công Giáo xuất bản cuốn Các Sách Phúc Âm, do Linh Mục Marcos Gispert - Forcadell thực hiện.
Năm 1932, Thánh Kinh Hội Anh Quốc (BFBS) cho phát hành Phúc Âm Mác và Phúc Âm Giăng bằng chữ Nôm. Hai Phúc Âm nầy được in tại Thượng Hải, Trung Hoa.
Năm 1961, một bản dịch Thánh Kinh Tân Ước toàn bộ khác được các tu sĩ Dòng Ða Minh xuất bản tạiSài Gòn.
Năm 1962, Thánh Tâm Biệt Thư tại Ðà Lạt đã xuất bản Ngũ Kinh Môi Se, Thi Thiên và Thánh Kinh Tân Ước do Linh Mục Gérard Gagnon thực hiện.
Năm 1963, Thánh Tâm Biệt Thư tại Ðà Lạt lại tiếp tục xuất bản những phần còn lại của Thánh Kinh Cựu Ước gồm những sách từ Giô Suê cho đến sách Gióp và các sách tiên tri từ Ê-sai cho đến Malachi. Những sách nầy cũng do Linh Mục Gérard Gagnon thực hiện
Năm 1969, nhà xuất bản Ðức Mẹ tại Sài Gòn phát hành Thánh Kinh Tân Ước do Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn phiên dịch.

Năm 1970, Linh Mục Trần Hữu Thanh đã sửa chửa lại bản dịch của Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn cho phổ cập lại với giọng văn hiện đại và xuất bản cuốn Thánh Kinh Tân Ước nầy để xử dụng trong Nha Tuyên Úy Công Giáo của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Năm 1971, nhà xuất bản Ra Khơi tại Sài Gòn đã phát hành Kinh Thánh toàn bộ do Linh Mục Trần Ðức Huân thực hiện, với sự giúp đỡ của một Ủy Ban Phiên Dịch. Ủy ban nầy đặt dưới sự hướng dẩn và kiểm soát của Giám Mục Trương Cao Ðại trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Năm 1976, toàn bộ Kinh Thánh do Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn DCCT thực hiện đã được phổ biến tại Sài Gòn. Phần Tân Ước trong bản dịch này được phiên dịch từ nguyên văn Hy Lạp. Tuy nhiên, do tình hình chính trị tại Việt Nam không thuận lợi cho việc xuất bản Kinh Thánh ngay sau 30/4/1975 do một nhóm người có tư tưởng cấp tiến do Nguyễn Nghị, cựu linh mục DCCT đứng đầu, cho xuất bản. Người viết bài này là một trong những người đọc mua được cuốn này với giá 45 đồng tiền mới.
Mãi đến năm 1980, các Linh Mục Dòng Chúa Cùu Thế tại La Verne, California đã cho xuất bản toàn bộ bản dịch Kinh Thánh của Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn tại California.

Cũng vào đầu thập niên 1980, Giáo Hội Công Giáo phát hành bản dịch Kinh Thánh Tân Ước do Hồng Y Trịnh Văn Căn thực hiện, tại Hà Nội, in trên giấy báo khổ lớn, sau được in lại trên giấy Bible. Bản dịch này được Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam tái bản lần thứ nhất vào năm 1985 tại Orange County, CA. Bản dịch này được soạn dịch với lời lẽ bình dân giản dị, đáp ứng cho nhu cầu mục vụ đương thời ở miền Bắc và thiện chí hơn là chuyên mônTiếp theo có lẽ là công trình của LM An Sơn Vị [tên Việt Nam của LM Anselme Vị thuộc dòng OSB (Ordo Sancti Benedicti)] dòng Đức Mẹ Người Nghèo. Bản dịch này hoàn thành năm 1984 nhưng được ấn hành xong năm khoảng năm 1994 tại Sảigòn
Bản "Tin Mừng của Thiên Chúa Cha" của Cha An-sơn Vị, năm 1977. Bản dịch Kinh Thánh của linh mục Vị là một công trình cá nhân. Linh mục Vị không được đào tạo chuyên môn về Kinh thánh, nhưng có một vài trực giác hay, có thiện chí và chịu khó nghiên cứu.
Rất tiếc, khi vận dụng các trực giác ấy quá mức thì câu tiếng Việt nhiều khi trở thành ngộ nghĩnh đối với nhiều người. Phần dẫn nhập và chú thích của bản này thì lấy từ bản TOB [Nouveau Testament - Traduction oecuménique de la Bible] và Bible de Jerusalem[1]. Tổng hợp lại: đây là một công trình thiện chí hơn là khoa học.
Bản Tân Ước của Linh mục Trần Văn Kiệm được xuất bản tại Hoa kỳ năm 1994. Bản dịch này phần lớn dựa theo một bản tiếng Trung hoa. Dĩ nhiên bản tiếng Trung hoa được dịch từ nguyên bản, và dịch giả đã tham khảo những bản dịch của các ngôn ngữ khác như bản New Jerusalem Bible và bản New American Bible[2] của Anh ngữ.

Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thành hình từ năm 1971. Một số linh mục và tu sĩ, nhằm mục tiêu ban đầu là phiên dịch cuốn sách nguyện được canh tân theo sắc lệnh của Công Ðồng Vaticanô I
Các thành viên của Nhóm dần dần gồm có:
Trần Phúc Nhân, Trần Ngọc Thao, Nguyễn Công Ðoan, Nguyễn Thị Sang, Thiện Cẩm, Hoàng Ðắc Ánh, Trịnh Văn Thậm, Nguyễn Cao Luật, Nguyễn Cao Siêu, Trần Hòa Hưng, Phạm Xuân Hưng, Hoàng Kim (đã chết), Ðỗ Xuân Quế, Nguyễn Hữu Phú, Xuân Ly Băng, Nguyễn Văn Hoà, Nguyễn Ngọc Rao, Nguyễn Tất Trung, Nguyễn Ðạt Tam, Hoàng Ngọc Lễ, Lê Thị Thanh Nga, Nguyễn Tiến Dũng và cuối cùng là Linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh[3] hiện làm đại diện chung cho Nhóm
Còn riêng phụ trương 3 về những chủ đề lớn trong Kinh Thánh thì là bản dịch của Nguyễn Ngọc Rao, Nguyễn Cao Siêu, Nguyễn Thịnh Phước, Ðinh Huỳnh Hoa, Nguyễn Cao Luật, Nguyễn Ðạt Tam, Hoàng Ngọc Lễ, Nguyễn Phước.

Ngoài ra còn có các anh chị thư ký và sắp chữ. Một số trong số trên, vì lý do này hay lý do khác, không còn sinh hoạt với Nhóm nữa. Vào đầu năm 1994, ngoài một cảm tình viên và hai người đang thực tập, Nhóm gồm 14 thành viên chính thức. Trong số này có 1 giáo dân, 1 Nữ tu ( Dòng Ðức Bà; các thành viên còn lại đều là nam Tu sĩ, đa số là Linh Mục , 4 thuộc dòng Ða Minh, 2 Dòng Chúa Cứu Thế, 2 Dòng Tên, 1 Dòng Thánh Thể, 1 Dòng Phanxicô, 1 tu hội Xuân Bích và 1 tu hội Jesus Caritas.
Vì phải đảm nhiệm một số công việc trong các cộng đoàn tu của mình nên anh chị em làm việc chung với nhau từ 2 đến 5 ngày mỗi tuần. Về phương diện chuyên môn, hiện tại Nhóm có 9 chuyên viên Kinh Thánh, trong số này 4 người được đào tạo tại chỗ; những người còn lại làm việc trong các lãnh vực khác như phụng vụ, thánh nhạc, huấn giáo hoặc văn chương. Tất cả đều có ít nhiều kinh nghiệm mục vụ. Tại học viện liên dòng vừa mới thành lập, 4 người trong Nhóm được mời dạy Kinh Thánh, 1 người dạy Phụng Vụ, và 1 người dạy Thần Học Bí Tích.

Trong suốt thời gian từ 1977 đến 1991, song song với việc hoàn chỉnh bản dịch CGKPV, chỉ riêng các Thánh Vịnh đã sửa đi sửa lại tới bốn lần, anh chị em đã tra tay vào việc phiên dịch Tân Ước. Ðến cuối năm 1986 đã có bản quay rô-nê-ô đầu tiên. Từ năm 1987, theo gợi ý của Ðức TGM Nguyễn Văn Bình, anh chị em đã tra tay vào công việc dẫn nhập và chú thích bản Tân Ước.

Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm ở giai đoạn đầu nên công việc này đã kéo dài trong nhiều năm. Mãi đến tháng 6 năm 1993 bản văn mới đã sẵn sàng. Theo lời thỉnh cầu của Nhóm, toà Tổng Giám Mục đã đứng ra xin phép, và trung tuần tháng 11 cùng năm đã nhận được giấy phép xuất bản 30 000 cuốn, và cuốn sách phát hành vào ngày 13 tháng 8 năm 1994. Tính ra thì mất thời gian 17 năm để hoàn thành cuốn Tân Ước.Tuy không cố tình lựa chọn, nhưng Nhóm đã bắt đầu phiên dịch có lẽ phần khó nhất của Sách Thánh, đó là các Thánh Vịnh. Ngay từ đầu, anh chị em đã sớm nhận ra rằng một cá nhân sẽ không sao kham nổi một công việc vừa khó khăn, vừa phức tạp như thế.

Bản văn được phiên dịch luôn do một anh chị em chuyên viên Kinh Thánh chuẩn bị trước. Bản thảo làm xong được đưa ra trao đổi trong Nhóm. Cuộc thảo luận dựa trên bản gốc, nhưng đồng thời anh chị em cũng đối chiếu với các bản dịch hiện có như Hy Lạp, La Tinh, Pháp, Anh, Ðức, Ý, Tây Ban Nha, Trung Hoa và dĩ nhiên Việt Nam. Chỉ riêng các bản dịch bàng Pháp văn, Nhóm đã tham khảo tới 10 bản dịch khác nhau.
Trong khi cuốn Tân Ước lên khuôn thì bản dịch Cựu Ước cũng đã hoàn thành. Tuy nhiên còn phải mất một thời gian nữa để hoàn chỉnh bản dịch, đồng thời soạn thảo các dẫn nhận và chú thích. Tập đầu tiên của Cựu Ước là các sách Ngôn Sứ. Và sách này hoàn thành và cho in vào năm 1995. Và ước mong của anh chị em trong nhóm với đà này thì toàn bộ Kinh Thánh với dẫn nhập và chú thích sẽ hoàn tất trước cuối thế kỷ. Nhưng đến năm 1998 thì coi như hoàn tất.
Bản dịch của nhóm "Các Giờ Kinh Phụng vụ", năm 1994. Đây là một công trình tập thể, được đào tạo chuyên môn tương đối phấn nào đầu tiên trong lãnh vực phiên dịch Kinh Thánh tại Việt nam. Ban làm việc gồm: một số chuyên viên Kinh thánh tốt nghiệp Thánh kinh Học viện (Rôma) và Ecole Biblique (Giêrusalem) hoặc tại Việt nam, một số chuyên viên về phụng vụ (học tại Pháp), và một số tốt nghiệp các trường thần học (Rôma).
Phần chú thích được soạn để đáp ứng nhu cầu của các độc giả Việt nam, chưa có sách chú giải để tham khảo. Trong các bản dịch tiếng Việt, đây là bản dịch tương đối có thể chính xác nhất hiện nay. Ưu điểm khác có thể thấy là đây là một nỗ lực tập thể qui tụ nhiều người thuộc các lãnh vực khác nhau có liên hệ đến Kinh Thánh. Tiếc một điều là nỗ lực này cho đến nay có phần nào chưa ổn thỏa với tổ chức chính thống trong Giáo Hội về mọi phương diện. Hy vọng phần Cựu Ước sẽ được xuất bản trong một ngày gần đây.
Trụ sở hiện nay của Nhóm là ở số 60A, đường Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn 1, do Linh Mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh làm đại diện trông coi và điều hành
Công Cuộc Phiên Dịch Trong Giáo Hội Tin Lành Việt Nam
Về phía Giáo Hội Tin Lành, vào năm 1890, M. Bonnet[4], Giáo Sư của trường Ngôn Ngữ Ðông Phương tại Paris (L’École đes Langues Orientales de Paris), đã phiên dịch Phúc Âm Luca sang tiếng Việt. Khi dịch Phúc Âm Luca, Giáo sư Bonnet đã dùng bản Kinh Thánh Pháp văn của Ostervald để dịch.

Sau khi dịch xong, Phúc Âm Luca đã được Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại (British & Foreign Bible Society - BFBS, Paris) xuất bản tại Paris. Năm 1898, Phúc Âm Luca tái bản lần đầu tiên.
Năm 1899, Thánh Kinh Hội Anh Quốc (BFBS) cho xuất bản Phúc Âm Mác tại Singapore.
Năm 1900, Thánh Kinh Hội Anh Quốc (BFBS) xuất bản Phúc Âm Giăng và đến năm 1903 lại xuất bản sách Công Vụ Các Sứ Ðồ tại Paris. Hai bản dịch nầy do Walter James, nhân viên của Thánh Kinh Hội Anh Quốc, thực hiện.

Năm 1913, Giáo Sĩ P.M. Hosler thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (CM&A) đã dịch lại Phúc Âm Mác. Bản dịch nầy được xuất bản năm 1913 tại Ngô Châu (Wuchow), thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Hoa.
Năm 1917, Thánh Kinh Hội đã xuất bản Phúc Âm Mác [5] tại Hà Nội. Có lẽ đây là phần Kinh Thánh đầu tiên của Giáo Hội Tin lành in tại Việt Nam.
Năm 1918, Thánh Kinh Hội xuất bản Phúc Âm Giăng và Sách Công Vụ tại Thượng Hải, Trung Quốc. Năm 1919, lại tiếp tục xuất bản Phúc Âm Mathiơ. Ðến năm 1922, xuất bản sách Sáng thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Luca; tái bản Phúc Âm Mathiơ; đồng thời xuất bản lại ba sách Phúc Âm Mác, Phúc Âm Giăng và Công Vụ đã được sửa chữa.
Năm 1923, Thánh Kinh Hội Anh Quốc xuất bản Kinh Thánh Tân Ước tại Hà Nội. Toàn bộ Kinh Thánh được thực hiện xong vào năm 1925 và xuất bản vào năm 1926 tại Thượng Hải, Trung Hoa.
Bản dịch này do một nhóm học giả gồm có các nhà phiên dịch: nhà văn Phan Khôi, ông bà Giáo Sĩ William C. Cadman, Giáo Sĩ John D. Olsen thực hiện với sự giúp đỡ của một số thành viên khác trong đó có: cụ Trần Văn Dõng, sinh viên trường Cao Ðẳng Ðông Dương, cụ Tú Phúc và vài học giả khác. Tuy nhiên người phiên dịch chính vẫn là ông Phan Khôi[6].

Trong suốt ba phần tư thế kỷ hai mươi và hiện nay, bản Kinh Thánh nầy được tục bản nhiều lần tại Anh Quốc, Hong Kong, Hoa Kỳ, Ðức, Ðại Hàn và Việt Nam. Ðây là bản Kinh Thánh Việt Ngữ của Giới Tin Lành được ấn hành và xử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Mặc dù chúng ta không có số liệu thống kê chính thức nhưng ước tính mỗi lần tái bản Kinh Thánh từ 5.000 - 10.000 cuốn; trong suốt ba phần tư thế kỷ qua, số Kinh Thánh phát hành đã được vài trăm ngàn cuốn. Có lẽ đây là cuốn sách Việt Ngữ Tin Lành được phát hành nhiều nhất từ trước đến nay .

Năm 1951, Thánh Kinh Hội Anh Quốc (BFBS) tại Hong Kong đã cho xuất bản sách Giăng và sách Công Vụ. Bản dịch mới nầy do cụ Mục Sư Ông Văn Huyên, Giáo Sỉ John D. Olsen, Mục sư Nguyễn Văn Vạn và Mục Sư Phan Ðình Liệu thực hiện.
Năm 1952, Thánh Kinh Tân Ước Nhuận Chánh được dịch xong. Ban Chấp Hành Trung Ương của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chấp nhận và cho phép ấn hành.

Năm 1954 Thánh Kinh Hội Anh Quốc cho phát hành bản dịch Tân Ước Nhuận Chánh nêu trên tại Sài Gòn. Sau đó, bản dịch nầy được tái bản và tục bản nhiều lần vào những năm 1957, 1960, 1968. Bản dịch Tân Ước nầy được các học giả gọi là Bản Dịch Việt Văn 1952.


Năm 1969, Thánh Kinh Hội Việt Nam cho ấn hành các sách Công Vụ, Phi-lê-môn, Gia-cơ, I & II Phi-e-rơ tại Sài Gòn. Ðây là một phần trong một đề án phiên dịch mới gọi là Bản Dịch Phổ Thông của Thánh Kinh Hội Việt Nam.
Năm 1970, Thi Sĩ Nguyễn Xuân Hồng đã dịch Phúc Âm Mác, được in với nhan đề Vào Ðời. Bản dịch mới nầy được phòng sách Tin Lành Sài Gòn xuất bản. Công tác phiên dịch và xuất bản đã được thực hiện dưới sự hổ trợ của Living Bible International (LBI).

Năm 1973 Thánh Kinh Hội Việt Nam lại cho xuất bản tiếp các sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng, cùng với sách Công Vụ đã được hiệu đính.

Theo tài liệu của Thánh Kinh Hội Quốc Tế Liên Hiệp (UBS), những sách vừa phát hành nêu trên cùng những sách đã được Thánh Kinh Hội Việt Nam phát hành vào năm 1969 là những sách đã được dịch xong của một bản dịch mới gọi là Bản Phổ Thông (Common Language Version) do các dịch giả gồm: Mục Sư Lê Hoàng Phu[7], Mục Sư Lê Vĩnh Thạch, Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng, ông Nguyễn Văn Nha cùng một số các vị khác thực hiện. Tuy nhiên, bản này chỉ in rời rạc mà không hoàn tất.
Khi thực hiện việc nghiên cứu về Hội Thánh Tin lành Việt Nam trong thời gian 1966-1967, người viết còn biết có những phần Kinh Thánh dược Hội Bible Pocket Union phát hành cho nhiều giới nhất là trong hàng ngũ quân đội Việt Nam Cộng Hòa II, cụ thể tại Tổng Y Viện Cộng Hòa tại Gò Vấp, Việt Nam
Năm 1975, World Home Bible League tại South Holland, Illinois phát hành một bản dịch sách Phúc Âm Mác mới.
Năm 1982, Hội Living Bible International tại Hong Kong đã phát hành Thánh Kinh Tân Ước do Mục Sư Tiến Sĩ Lê Hoàng Phu thực hiện. Bản dịch mới này thường được đọc giả biết đến dưới tên Thánh Kinh Tân Ước Diễn Ý
Vào năm 1987, Vietnamese Bible Inc. được thành lập tại Midland, Texas, với mục đích thực hiện một bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ trung thực, hiện đại, truyền đạt được chân lý của Chúa.
Lúc đầu, Vietnamese Bible Inc. do các Mục Sư Baptist Việt Nam khởi xướng, nhưng sau đó dự án đã mở rộng và mời các Mục Sư thuộc các giáo phái Tin Lành khác nhau cùng cộng tác.
Thành phần của Ủy Ban Phiên Dịch gồm có các Mục Sư Lê Hoàng Phu, Võ Ngọc Thiên Ân, anh Ðào, Nguyễn Hữu Cương, Mai Hữu Phước, Nguyễn Minh Thắng, Nguyễn Xuân Hà và bà Phạm Xuân
Năm 1991, Vietnamese Bible Inc. tại Midland, TX. đã phát hành thử nghiệm một bản dịch bốn sách Phúc Âm. Bản thảo Tân Ước cũng đã thực hiện xong, hiện nay đang được hiệu đính. Toàn bộ Tân Ước dự tính sẽ in trong tháng 2/1996.
Hiện nay, đề án dịch toàn bộ Kinh Thánh của Vietnamese Bible Inc. vẫn đang tiếp tục thực hiện
Năm 1994, toàn bộ thánh Kinh do Mục Sư Lê Hoàng Phu và ba dịch giả phiên dịch đã được Thánh Kinh Hội Quốc Tế (International Bible Soceity - IBS) và Văn Phẩm Nguồn Sống phát hành vào tháng 6/1994 tại Anaheim, California
Năm 1995, toàn bộ Kinh Thánh của Giáo Hội Tin Lành đã được tái bản tại Ðà nẵng (Việt Nam). Bộ Kinh Thánh tái bản lần này là bản Kinh Thánh 1926. Việc tái bản này do Hội Thánh Tin Lành Việt Nam thực hiện với sự hổ trợ của Thánh Kinh Hội Liên Hiệp (UBS). Ðây là bản Kinh Thánh đầu tiên của Giáo Hội Tin Lành Việt Nam được phép in và phát hành dưới chế độ cộng sản Việt Nam
Năm 1996, Phúc Âm Giăng do Mục Sư Ðặng Ngọc Báu dịch từ nguyên văn Hy Lạp đã xuất bản tại San Diego, CA. Bản dịch mới này được dùng làm tài liệu chứng đạo cho thân hữu
Hiện nay, ngoài dự án phiên dịch Kinh Thánh sang Việt Ngữ của Vietnamese Bible Inc., một vài Mục Sư Việt Nam cũng đang thực hiện một đề án khác để phiên dịch một bản Kinh Thánh mới theo nguyên tắc bản dịch New International Version (NIV) trong Anh
Kế Hoạch Nỗ Lực Phối Hợp Công Giáo Tin Lành Việt Nam
Năm 1994, Tòa Tổng Giám Mục tại Thành Phố Hồ Chí Minh đã xuất bản 30.000 Thánh Kinh Tân Ước. Công trình này được thực hiện bởi Linh Mục Hoàng Ðắc Ánh và Linh Mục Trần Phúc Nhân. Việc xuất bản Kinh Thánh do cơ quan Thánh Kinh Hội Quốc Tế (IBS) bảo trợ.
Vào năm 1973, Thánh Kinh Hội Quốc Tế đã tổ chức một khóa huấn luyện cho các nhân viên phiên dịch Kinh Thánh tại Ðà Lạt. Ðại diện của Công Giáo và các giáo phái Tin Lành đã đến tham dự.
Các đại biểu đã bàn thảo về một đề án phiên dịch Kinh Thánh dựa theo khuôn mẫu bản dịch Jerusalem là bản dịch mà cả hai giáo hội Công Giáo và Tin Lành cùng phối hợp thực hiện.
Năm 1974, Mục Sư Nguyễn Thỉ và Mục Sư Trần Ðào đại diện cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam bàn thảo với quí Linh Mục Hoàng Ðắc Ánh và Linh Mục Trần Phúc Nhân về những đường lối và nguyên tắc thực hiện.

Rất tiếc, biến cố 30/4/1975 xảy ra, các Mục Sư Nguyễn Thỉ và Trần Ðào ra đi, hai Linh Mục Công Giáo ở lại tiếp tục dự án phiên dịch Kinh Thánh. Năm 1985 Thánh Kinh Tân Ước được dịch xong và đã được Tòa Tổng Giám Mục Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh phát hành vào năm 1994 với sự hổ trợ của Thánh Kinh Hội Liên Hiệp (UBS
Triển Vọng Tương Lai
Theo một thống kê mới đây, trong số gần 6.000 ngôn ngữ hiện đang được xử dụng trên thế giới, tiếng Việt là một trong 20 ngôn ngữ được dùng phổ thông nhất
Tính đến nay, dân số Việt Nam là 86 triệu 701.556 người (website HĐGMVN 2007). Ngoài ra còn có khoảng hơn ba triệu người Việt tại hải ngoại. Như vậy, đã có khoảng gần 90 triệu người xử dụng tiếng Việt. Trong tương lai, số người xử dụng Việt Ngữ tiếp tục tăng nhanh, do đó nhu cầu cần có một bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ chuẩn xác, trong sáng, lưu loát là một vấn đề quan trọng mà toàn thể Giáo Hội Việt Nam cần phải lưu
Đối với Giáo Hội Công Giáo, dù chúng tôi không đủ tư cách chuyên môn dể thẩm định, nhưng cách địch thuật Kinh Thánh Công giáo đã không đi ra ngoài các xu hướng dịch thuật chung là dịch sát từng từ, dịch sát để lột tả ý nghĩa căn bản chính xác, dịch thoáng để hiểu nghĩa theo phụng vụ
Có thể cuốn Kinh Thánh được Linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch thuật tiêu biểu cho lố lịch sát từng nghĩa chữ, trong khi cuốn Kinh Thánh của Linh mục Trần Đức Huân, của Hồng Y Tổng Giám Mục Trịnh Văn Căn, của Linh Mục An Sơn Vị có xu hướng đi theo ý nghĩa phụng vụ hơn là khoa họ Bản dịch có thể biểu thị một nỗ lực tập thể và phối hợp các khuynh hướng dịch thuật sát nghĩa chữ theo khoa học và phụng vụ nói trên là bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Phiên Dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ
Hiện nay, trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam[8], Kinh Thánh trên thế giới thường được dịch theo ba xu hướng chính.
Xu hướng thứ nhất là dịch từng chữ một (word-for-word). Nguyên tắc căn bản của phương pháp này là dịch giả phải tìm từ ngữ - đồng nghĩa với từ ngữ trong nguyên bản. Cấu trúc mệnh đề và văn mạch và cách nói cũng phải theo sát nguyên bản.
Nhược điểm của phương pháp này là dịch giả phải dịch sát nghĩa của từ ngữ trong nguyên bản, nên cách hành văn trong bản dịch thường không đơn giản dễ hiểu.
Ưu điểm của nó là diễn đạt gần trọn ý nghĩa của nguyên bản. Trong các bản dịch sang Anh Ngữ, tiêu biểu cho phương pháp này là bản dịch King James (KJV), bản dịch Việt Ngữ theo phương pháp này là bản dịch 1952.
Xu hướng thứ hai: các dịch giả dùng những từ ngữ và thành ngữ phổ thông để diễn đạt lưu loát và dễ hiểu ý chính của nguyên tác.
Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là độc giả khi đọc bản dịch, họ có thể dễ dàng lãnh hội được nội dung bản văn.
Tuy nhiên, khuyết điểm của nó là bản dịch nhiều khi không lột tả được hết ý nghĩa khác trong nguyên bản. Trong các bản dịch Anh Ngữ, bản dịch The Living Bible (LBV).tiêu biểu cho khuynh hướng này.
Xu hướng thứ ba chú trọng thể hiện ưu điểm của hai phương pháp trên. Theo đó, các học giả vừa tìm cách dịch uyển chuyển nhưng cố gắng sao cho từ ngữ trong bản dịch phải vừa bình dân, vừa chính xác, trung thực với nguyên bản, đồng thời cách hành văn phải lưu loát, thích thời, dễ đọc, dễ hiểu. Bản dịch Kinh Thánh New International Version (NIV) tiêu biểu cho khuynh hướng này. Về tiếng Việt, hiện nay chưa có bản dịch Kinh Thánh nào thực hiện đưọc phương pháp này
Mặc dầu có ba xu hướng dịch thuật chính nêu trên, nhưng trên thực tế khi tiến hành dịch thuật Kinh Thánh, tùy theo từng ngữ cảnh khác nhau, các dịch giả có khi uyển chuyển dùng hai hoặc thậm chí cả ba phương pháp cùng một lúc.
Thử Đi Đến Một Nỗ Lực Tổng Hợp
1. Nhìn về triển vọng tương lai, muốn góp phần mở mang việc truyền bá Tin Mừng, Cộng Ðoàn Dân Chúa Việt Nam nên thực hiện những dự án sa
Xây dựng một Ủy Ban Dịch Thuật Kinh Thánh thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam qui tụ các chuyên gia Kinh Thánh thuộc nhiểu dòng tu hay giáo phận do sự điều hành chỉ đạo tích cực, yểm trợ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, hợp nhất với H ĐGMVN. Thành phần chủ đạo có thể là những nam nữ tu sĩ linh mục đã từng tình nguyện hoạt động trong các tổ chức hay trong Nhóm Các Giờ Kinh Phung Vụ
Tham khảo rộng rãi và uyên bác các ngữ cảnh ngôn ngữ nguyên thủy các phần khác nhau của Kinh Thánh Cựu hay Tân Ước được nhiều tác giả viết ra bằng những ngôn ngữ khác nhau.
Ủy Ban Dịch Thuật Kinh Thánh này nên tìm kiếm sự cộng tác tích cực và chân thành với chuyên gia Kinh Thánh của các giáo phái Tin Lành Việt Nam và Quốc Tế trong tinh thần Đại Kết Kitô giáo
Tham chiếu, so sánh các bản dịch khác nhau trước của Công Giáo hay Tin Lành.

Thực hiện một bản dịch mới hoàn chỉnh thống nhất tương tự bản dịch NIV và New Bible of Jerusalem trong Anh Ngữ.

Tích cực thể hiện tinh thần Đại Kết Kitôgiáo trong việc dịch thuật cộng tác với các giáo hội Tin Lành
Phối hợp với Thánh Kinh Hội Quốc Tế đưa toàn bộ những bản dịch Việt Ngữ đã có, cùng với một số bản Anh Ngữ phổ thông, các bản cổ văn bằng Hebrew và Greek, Thánh Kinh Tự Ðiển, Giáo Luật Kinh Điển và các văn kiện việc Dẫn Giải Kinh Thánh của phong trào Đại Kết vào Compact Disk (CD)
2. Công trình này sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực và lâu dài trong việc phổ biến và nghiên cứu lời Chúa trong tương lai. Hiện nay số sinh viên đã tốt nghiệp Computer Engineer hoặc Computer Science trong Giáo Hội Việt Nam, cả Công Giáo lẫn Tin Lành, tại Hoa Kỳ lên đến hàng trăm người.
Nếu Giáo Hội có dự án cụ thể và kêu gọi những anh chị em này đóng góp khả năng thì công trình này có thể thực hiện được.
Cần có một website riêng biệt chuyên phổ biến Thánh Kinh tiếng Việt trên Internet cho người Việt khắp thế giới.
Mở những khóa huấn luyện Kinh Thánh Căn Bản và Sơ Cấp cho các tín hữu. Phát triển những khóa học Kinh Thánh t ương tự như một số giáo phái Tin Lành Ngắn hạn, Mùa Hè hay sơ cấp, trung và cao cấp cho các thế hệ, đoàn thể, giáo xứ tại nhiều giáo phận địa phương khác nhau.
Nâng cao chất lượng đào tạo người các chức việc phục vụ cộng đoàn giáo xứ trong Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ qua khóa hay lớp học theo các chương trình trung cấp, đại học và cao học.
Ðào tạo những học giả Kinh Thánh, những nhà Thần Học ở hàng ngũ tín hữu thông thường cho Giáo Hội Việt Nam. Cầu nguyện và yểm trợ cho chương trình để Giáo Hội Việt Nam sớm có những tín hữu tốt nghiệp văn bằng Ph.D. hay Tiến Sĩ hay có văn bằng chuyên môn tương đương về Thần Học và Kinh Thánh.
Soạn thảo và phiên dịch thêm những văn kiện giải nghĩa Kinh Thánh sang tiếng Việt.
Tham khảo những nghiên cứu Kinh Thánh của các nhà chuyên môn nghiên cứu đi trước.
Thiết lập những dự án cụ thể, khả thi, cần thiết nhằm tận dụng những phương tiện sách báo, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, âm nhạc, kịch nghệ, ... để phổ biến lời Chúa cho dân tộc Việt Nam, như CD Thánh Kinh Vietnamese Bible của Vietcatholic
Hổ trợ cho các dự án phiên dịch Kinh Thánh sang các ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Hiện nay trong Giáo Hội Việt Nam, cả Công Giáo và Tin Lành, nơi các bộ tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Trường Sơn miền Trung, miền Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam
Ngày nay hằng triệu người Việt không biết lời Chúa. Nối tiếp các thế hệ phục vụ công việc truyền giáo tiền phong, ước mong mỗi chúng ta hãy đóng góp hết sức mình để lời Chúa sớm được rao truyền rộng khắp cho mọi đối tượng trên quê hương Việt Nam, cũng như tại các cộng đồng người Việt hải ngoại trên thế giới.
Một Số Tài Liệu Tham Khảo
- Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện. NXB TpHCM, Công Ty In Đà Nẵng, in rên giấy Bible mỏng, Bìa giả da cứng, xong tháng 5/2002, giá 50.000$VN, 1710 trang, khổ 14.5x21cm.
- Phước Nguyên: Báo Linh Lực (1/1996)
- http://thanhkinhthanhoc.net/_tailieu/truongthanhoc.html
- Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước
Theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
- Dòng Chúa Cứu Thế Thời Cha Cao Đình Trị (1993-2001)
http://www.cuuthe.com/dong/tk16cdtri.html
- Kinh Thánh Tiếng Việt. Vietnamese Bible
Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia
http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/vietbibl.htm
- Các bản dịch Kinh Thánh. Trích sách "Responses to 101 Questions" của R.E. Brown câu 1-2
- http://www.donghanh.org/cgi---bin/suyniem/vprint?
font=unicode&file=/home/donghanh/public_html/suyniem/bible/version.html
- An Sơn Vị Chú Giải Tân Ước Theo TOB. Bản dịch của Linh Mục này.
- http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/tob/tob.htm
- Hoạt động tông đồ bằng ngòi bút và các công tác chuyên môn
- http://www.cuuthe.com/dong/mv08ngoibut.htm
- http://www.catruong.com/phungvu/pv_nhom_CGKPV.htm
- http://www.catruong.com/phungvu/pv_nhom_CGKPV.htm
- Ngọc Loan Phục Vụ Lời Chúa – Phỏng Vấn Linh Mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh thường trực ban điều hành nhóm CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ.
- Đỗ Hữu Nghiêm: Phương Pháp Truyền Giáo Của Đạo Tin Lành Tại Việt Nam. Sài Gòn, 1968, 319t, 27x32cm
- Vietcatholic: CD Thánh Kinh Vietnamese Bible. P.O. Box 6253, Santa Ana, CA 92706. Tel: 714-596-9143 hay 909-447-4110. Email: sudiep@vietcatholic.net Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. . Copyright by VietCatholic 2003
Oakland, CA, ngày 25/06/2007.2.
Kỷ niệm Lễ Thánh Phêrô và Phaolô ngày 29/6/2007.
Xem lại ngày 24/3/2008.2 Phuc Sinh
Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm





Sunday, October 17, 2010

Nhung van de co nen phong chuc cho Phu Nu?

Không thể coi vấn đề chọn linh mục là người nam là trọng nam khinh nữ. Chức linh mục không phải là một quyền lợi nên đòi phải được chia đồng đều cho nam và nữ. Đó là một vị thế phục vụ không phải là một quyền lợi.


Vào năm 2002, có bảy nữ nhân được phong chức linh mục Công Giáo ở Austria. Từ đó đến nay đã có khoảng 100 nữ nhân trên thế giới tuyên bố mình là linh mục Công Giáo, trong số đó 80 bà là người Mỹ (Time, no. 13, Sept. 27, 2010). Tin nổi bật hơn cả, trong tháng Năm vừa qua, cô Longhitano đến Rome để nhận chức linh mục. Một giám mục Anh Giáo phong chức cho cô. Nghi lễ qui tụ gần 300 người tham dự. Longhitano tuyên bố, cô chọn Rome vì đó là kinh đô Công Giáo. Cô muốn Giáo Hoàng nghe và thấy những gì đang xảy ra (New York Time, Sept. 23, 2010). Nhóm ủng hộ phong trào nữ linh mục cho biết cứ đà này, họ sẽ có nữ giám mục Công Giáo. Từ đó họ sẽ tự quyền phong chức linh mục cho nữ nhân mà không cần nhờ giám mục của những giáo phái khác. Hiện tại, mỗi Chủ Nhật, nữ linh mục cử hành thánh lễ tại tư gia hay tại một nhà thờ Tin Lành thuê mướn nào đó.

Ngay sau biến cố Longhitano, ngày 15 tháng Bảy, 2010 Tòa Thánh Vatican chính thức đưa ra bản kết án những bà tự nhận là linh mục là họ đã phạm tội trọng (delictum gravius) và bị rút phép thông công. Linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa thánh Vatican phân tích rằng, phong chức linh mục cho phụ nữ là mắc tội nghịch với các bí tích (a crime against sacraments), tức là những bí tích do chính Chúa Giêsu thành lập để ban ân sủng.

Riêng trong nội bộ Anh Giáo, mặc dù họ đã bắt đầu truyền chức linh mục cho nữ giới từ năm 1992, nhưng việc đó chưa được nhất trí. Đã có khoảng 100 linh mục và 3 giám mục phản đối. Các vị này đang tiếp xúc với Tòa Thánh Rôma để xin trở thành tín đồ Công Giáo Rôma. Khi họ chuyển đạo, họ sẽ kéo theo nhiều con chiên theo họ. Ngoài ra một số các vị phản đối khác tuy vẫn trung thành với Anh giáo nhưng đã lên tiếng cảnh cáo rằng, nếu việc phong chức cho nữ linh mục không được xét lại, họ có thể tạo ra cuộc ly khai (Telegraph, July, 2010).

Ba điểm chính của thần học linh mục phụ nữ
Phong trào nữ linh mục bắt nguồn từ Âu Châu trong năm 2002 với một số nhà nữ thần học Đức, trong số đó có vài vị nữ tu và linh mục John Wijngaard, giáo sư thần học. Riêng tại nước Mỹ, phong trào này được kích động thêm khi có cuộc khủng hoảng về lạm dụng tình dục của các tu sĩ nam và hiện trạng thiếu hụt trầm trọng các linh mục. Tháng năm vừa qua hai cơ quan truyền thông New York Time và CBS đã làm cuộc thăm dò tổng quát. Ho cho biết 59% giáo dân Mỹ chấp nhận ý kiến nữ linh mục.

Có ba điểm chính trong hệ thống tư tưởng nữ linh mục. Điểm thứ nhất là vị thế của Mẹ Maria, của Thánh Martha, và Thánh Mađalêna trong giáo hội sơ khai. Qua sự liên hệ mật thiết giữa Đức Giêsu và các thánh nữ ấy họ biện luận rằng Mẹ Maria và Thánh Mađalena là Tông Đồ, là linh mục, và là giám mục của Giáo Hội sơ khai. Qua đó họ cho rằng nữ linh mục có nguồn gốc tông truyền từ Chúa Giêsu.

Điểm thứ hai, nhóm nữ linh mục cho rằng Vatican đã kỳ thị phái tính. Họ cho rằng hệ thống quyền hành hiện tại có tính cách bảo vệ nam giới đàn áp nữ giới. Một dạng áp chế bất công lỗi thời của những thế kỷ cũ kỹ. Họ trưng dẫn những đoạn kinh thánh để chứng minh sự kỳ thị phụ nữ. Chẳng hạn khi thánh Phaolô nói, “Tôi không cho phép đàn bà giảng dậy” (1Tim 2:11-15) hay “Phụ nữ phải làm thinh trong các buổi họp” (1Cor 14:34-35).

Điểm thứ ba, những người phản kháng vin vào câu nói của Đức Giêsu “không được gọi một phàm nhân nào là cha”. Cha là danh xưng dành riêng để gọi Thiên Chúa. Như vậy danh xưng cha (một dấu chỉ nam giới) dùng để chỉ linh mục đã phạm luật cho chính Đức Giêsu đặt ra. Giáo lý “chỉ nam nhân mới có thể là linh mục” không có nền tảng Phúc Âm nhưng đầy sắc thái kỳ thị phái tính.

Phụ nữ không thể là linh mục

Thần học có ba điểm để giải thích vấn để linh mục là người nam. Thứ nhất, nam và nữ bình đẳng nhưng có ơn gọi khác nhau. Thiên Chúa tạo ra nữ nhân là mẹ và nam nhân là cha. Không chức vụ nào có giá trị hơn hay kém hơn. Cả hai đều rất quan trọng và bổ túc cho nhau.

Thứ hai, chức linh mục là một bí tích. Chẳng có người nam hay người nữ nào xứng đáng được làm linh mục. Sở dĩ người nam được thụ phong chức linh mục vì Chúa Giêsu ban cho như vậy. Giá trị của người được lãnh chức linh mục cũng không phải vì cá nhân đó tài giỏi hay xứng đáng ở một điểm nào đó, nhưng chỉ vì cá nhân đó được thông phần thiên chức linh mục của Chúa Giêsu.

Thứ ba, theo mô thức gia đình, Giáo Hội là mẹ và linh mục là cha. Có rất nhiều dẫn chứng trong Kinh Thánh cho biết biểu tượng Giáo Hội là cô dâu và Đức Giêsu là chàng rể. Vì linh mục liên kết với Đức Giêsu nên linh mục phải là chàng rể (tức là nam nhân) trong khi Giáo Hội là cô dâu.

Chiếu theo Thánh Kinh, trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu phong chức linh mục cho 12 môn đệ của Người. Trong số đó không có một người nào là phụ nữ, mặc dù lúc đó có mặt Đức Mẹ Maria là đấng cao trọng hơn hết và cũng có nhiều nữ môn đệ theo Người. Như vậy Chúa Giêsu đã chọn 12 nam nhân để thành lập hàng giáo phẩm. Việc thành lập Giáo Hội có giá trị vượt thời gian, Đức Giêsu không bị lệ thuộc vào những ràng buộc của định chế văn hoá xã hội nhất thời nào. Chúng ta chỉ có thể tin rằng việc Người làm hẳn phải có lý do. Cái lý do ấy hội thánh không có tư cách để sửa đổi. Khi Giuđa phản bội Chúa và tự tử, các Tông Đồ cũng chọn một nam nhân khác để thay thế. Rồi chính mỗi vị Tông Đồ cũng chọn người kế vị tiếp nối sứ mạng của mình bằng một nam nhân. Giáo Hội bị ràng buộc với sự lựa chọn của Chúa và các Tông Đồ, vì đó là dấu chỉ của ân sủng. Tuân theo truyền thống ấy Giáo Hội quy định chỉ người nam đã nhận phép rửa tội mới được nhận lãnh bí tích Truyền Chức linh mục. Giáo Hội không thể phong chức cho người nữ (GLCG 1577).

Không thể coi vấn đề chọn linh mục là người nam là trọng nam khinh nữ. Chức linh mục không phải là một quyền lợi nên đòi phải được chia đồng đều cho nam và nữ. Đó là một vị thế phục vụ không phải là một quyền lợi. Có một mâu thuẫn rất lớn khi nhóm nữ linh mục cho rằng Đức Giêsu truyền chức linh mục cho 12 nam nhân chỉ là phản ảnh sắc thái văn hóa tương đối vào thời ấy. Trong khi đó họ lại cho những lời khuyên của Thánh Phaolô cấm đàn bà nói và giảng kinh (xem trích dẫn trên) là tuyệt đối khinh thị nữ giới. Ngược lại bí tích truyền chức thánh do Đức Giêsu lập ra có giá trị tuyệt đối, còn lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô chỉ có giá trị tương đối phản ảnh quan niệm xã hội cục bộ nhất thời. Chính Giáo Hội cũng không chấp nhận quan niệm kỳ thị này. Sử dụng những bằng cớ ấy để kết án Giáo Hội hiện tại kỳ thị là ấu trĩ.
Danh xưng cha của linh mục

Theo truyền thống, “cha” là người đứng đầu trong gia đình. Tiếng “cha” nêu ra trách vụ hướng dẫn con cái trong liên hệ gia đình. “Cha” không phải là một chức vị xã hội.

Nhóm nữ linh mục vin vào câu nói của Đức Giêsu cấm gọi một phàm nhân nào khác là cha, vì Cha là danh xưng dành riêng để gọi Thiên Chúa. Trên thực tế họ đã cắt câu nói của Người ra khỏi mạch ý của Phúc Âm. Vào thời gian đó, nhóm Ký Lục, Pharisêu, và Sađốc đều được gọi là cha. Họ thường lạm dụng danh xưng cha để tự phong chức vụ danh tước cho mình. Đức Giêsu đã ngăn cấm lối nhận diện sai lầm ấy vì Người thấy rõ họ không xứng đáng. Đức Giêsu dậy chúng ta đừng lầm lẫn chức vị “cha” trong vị thế xã hội với vị thế Thiên Chúa (cũng gọi là Cha) là một người Cha trong gia đình. Đức Giêsu không cấm chúng ta gọi bố mình là cha. Chính Đức Giêsu vẫn gọi thánh Giuse là cha. Người cũng nói Abraham là cha của dân Israel.

Thánh Phaolô giải thích rõ danh xưng “cha” trong Kitô giáo là người hướng dẫn tâm linh như một ông bố trong gia đình. Cha là một chức giáo vụ. Với nghĩa đó thánh nhân đã xưng mình là cha với dân Côrintô (1 Corino 4:15), là cha của nhóm tín hữu Do thái (Heb 12:5-7, 11-13), là cha của Timôtê (1 Tim 1:18), và là cha của Ônêximô (Phi 9-10, 12-17). Chúng ta đều biết Thánh Phaolô không thể dùng danh xưng cha trong liên hệ chức vị xã hội. Danh xưng cha của linh mục Công Giáo mang ý nghĩa ấy, tức là người chăn dắt (mục) tâm linh (linh). Hiển nhiên trong gia đình, chỉ người con trai mới có thể là cha.

Khi nhập thế, Ngôi Lời đã chọn là một người nam. Chúng ta không có quyền đặt câu hỏi tại sao về sự lựa chọn này. Chúng ta chỉ có thể ghi nhận. Thần học nêu rõ rằng linh mục là Nhân Thể Hóa Đấng Kitô (In Persona Christi) hay Chúa Kitô khác (another Christ, Giáo Hoàng Pius XI) là hình ảnh sống của Chúa Cha (typos tou Patros, Ignatius của Antioch), là người thay mặt Đấng Kitô (Thánh Cyprian). Chúa Kitô kết hôn với Giáo Hội, mà linh mục là In Persona Christi, nên các tín hữu phải gọi linh mục là cha. Chức linh mục đồng hóa với Đức Kitô Tư Tế và hành xử như chính Đức Kitô (Piô XII, thông điệp “Đấng Trung Gian Của Thiên Chúa”; GLCG 1547-1563). Vì vậy khi một người muốn trở nên hóa thân của Đức Giêsu thì cũng phải là một người nam, vì Đức Giêsu là một người nam.

Tóm lại, điều thật sự mà người ta có thể thấy từ nhóm chủ trương linh mục phụ nữ là họ muốn cải tổ hệ thống giáo quyền. Họ cho mô thức Giáo Hội hiện tại là hệ thống toàn nam cần phải đổi thành hệ thống dân chủ. Họ khẳng định không muốn qua giáo phái Episcopal, nơi chấp nhận nữ linh mục. Họ muốn là nữ linh mục Công Giáo. Họ không bỏ Giáo Hội nhưng muốn cải tổ Giáo Hội. Cuộc tranh đấu của họ càng ngày càng nhuộm màu chính trị của cánh nữ quyền. Nó có tính cách quá đáng vì đã lợi dụng mục vụ tôn giáo trong mục tiêu tranh đấu phái tính. Câu tuyên xưng “Nhân danh Thiên Chúa Cha và Mẹ chúng ta” (In the name of God our Father and Mother) đã làm nổi bật màu sắc chính trị hơn là giáo lý tôn giáo. Tổng Giám Mục Donald W. Wuert, Washington, Chủ Tịch Uy Ban Giáo Lý của Hội Đồng Giám Mục Hoa kỳ tuyên bố, “Công Giáo, qua giáo huấn lâu dài và không đổi, từ nguyên khởi chỉ truyền chức linh mục cho người nam, điều này không thể thay đổi bất chấp thời gian có thay đổi.”

Đỗ Trân Duy

lang thang tren net.